Hiện mực nước sông Kỳ Lộ, sông Ba xuống thấp kỷ lục từ trước đến nay. Để bơm hút được nước, các HTX phải đào kênh mương dưới sông với kinh phí đầu tư chống hạn rất lớn.
Bể hút của trạm bơm điện Chợ Lùng, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) ngăn cách với sông Kỳ Lộ là “núi cát” - Ảnh: H.NAM |
Ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, cho hay: Tại vị trí bể hút các trạm bơm Đông Hòa và Tịnh Sơn (thị trấn Củng Sơn), trạm bơm Gành Ông Dư (xã Sơn Hà) dọc sông Ba bị cát bồi lấp hoàn toàn, lưu lượng nước về bể hút các trạm bơm hàng ngày không đủ để đẩy lượng cát bồi lấp. Hiện khu vực hạ lưu thủy điện Sông Ba Hạ đoạn chảy qua huyện Sơn Hòa, một số vị trí đã bị xói lở, một số vị trí bị cát bồi lấp rất nặng do dòng chảy đổi dòng về phía Sông Hinh. Để có nước bơm tưới, các trạm bơm đều phải nạo vét, đào kênh dẫn nước dưới lòng sông vào các bể hút của trạm bơm. Vì vậy, chi phí cho mỗi lần nạo vét kênh dưới lòng sông bơm tưới là rất tốn kém, lên đến hàng trăm triệu đồng.
Tại bể hút của Trạm bơm điện Đông Hòa, dòng chảy của sông Ba lệch ra xa, trong khi đó từ bể hút ra đến dòng chảy là động cát trắng. Việc nạo vét dẫn nguồn nước vào trạm bơm tưới lúa vụ hè thu cũng đang gặp khó khăn do “âm” xuống sâu thì gặp đá. Ông Nguyễn Văn Thanh, một nông dân ở gần trạm bơm, nói: Tôi sống ở đây trên 40 năm, nay mới thấy cảnh đào mương dưới sông để dẫn nước. Trước đây chỗ đặt bể hút là vực sâu, nay lộ ra bãi cát trắng. Thủy điện Sông Ba Hạ nằm phía trên trạm bơm lúc phát điện xả nước, lúc thì đóng kín nên lòng sông có thời điểm chỉ là con lạch nhỏ.
Trạm bơm điện Vực Lò hút nước từ sông Kỳ Lộ bơm tưới trên 100ha lúa ở cánh đồng Triêm Đức, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), hiện khu vực đặt đầu bơm của trạm đã khô cạn. Ông Nguyễn Ngọc Tài, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Quang 2, lo ngại: Dòng chảy của sông Kỳ Lộ hiện chảy ra xa so với chỗ đặt đầu bơm và bị ngăn cách bởi cồn cát to nên không thể bơm nước lên được.
Theo lịch thời vụ của Sở NN-PTNT, đến ngày 20/5 bắt đầu gieo sạ lúa vụ hè thu, trên cánh đồng thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), chỉ có cánh đồng Long Thăng hút nước từ bầu Long Thăng đưa nước vào ruộng, còn cánh đồng Long Hà hút nước từ sông Kỳ Lộ vẫn chưa có nước. Ông Nguyễn Sáu ở khu phố Long Hà, lo lắng: Cánh đồng Long Hà nông dân thuê máy cày ải đất phơi khô chờ nước vô cày lần hai để bừa sạ, nhưng đến nay vẫn chưa có nước về.
Ông Lê Xuân Đức, Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ thị trấn La Hai, cho biết: Đầu vụ, HTX đã lên phương án chống hạn gửi lên cấp trên xin kinh phí chống hạn. Khó khăn hiện nay là chỗ bể hút cao hơn dòng nước của sông nên ngoài việc đào kênh mương còn phải “nối tải” phần ống hút mới đảm bảo tưới vụ hè thu sắp đến. Nguồn kinh phí này trên 100 triệu đồng đang chờ phê duyệt.
Trên cánh đồng Phước Lộc, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), rộng 65ha được bơm tưới nước từ trạm bơm điện Chợ Lùng, nông dân cày ải chờ nước gieo sạ, tuy nhiên đến nay, bể hút của trạm bơm điện vẫn còn khô đáy. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc HTX Sản xuất Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Quang 3, cho hay: Hiện nay, chỗ bể hút của trạm bơm với chỗ dòng chảy của dòng sông ngăn cách bởi “núi cát”, vì vậy phải nạo vét đoạn mương dưới dòng sông dài 170m mới dẫn được nước từ dòng sông vào bể hút. Kinh phí đầu tư ước tính khoảng 80 triệu đồng, số tiền này HTX không thể đáp ứng, phải chờ kinh phí cấp trên.
Ông Lâm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, thông tin: Trước việc nước sông Kỳ Lộ khô cạn làm cho dòng chảy thu hẹp, trạm bơm không thể bơm nước, UBND xã đã mời đại diện Phòng NN-PTNT huyện đến khảo sát thực tế bàn phương án khắc phục hạn hán, tuy nhiên đến nay, địa phương vẫn đang chờ nguồn kinh phí. Trong khi lịch gieo sạ cận kề, HTX tính đến phương án “linh động”, thuê xe đào, máy ủi nạo vét mương dưới sông để kịp hút nước, đảm bảo cung ứng nước cho vụ hè thu.
TRÂM TRÂN