Khóm Đồng Din, thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) đang được bán với giá cao nhất từ trước tới nay. Người trồng khóm ở đây rất phấn khởi vì có thu nhập cao.
KHÓM ĐƯỢC GIÁ
Từ tờ mờ sáng, vùng khóm Đồng Din đã rôm rả tiếng cười nói, tấp nập người đi thu hoạch khóm. Mọi người tranh thủ lên rẫy từ sớm để trốn nắng. Ông Võ Văn Toàn, một hộ trồng khóm ở đây, cho biết: Nhà tôi ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng. Hơn 10 năm trước, vợ chồng tôi theo người ta vào đây trồng khóm. Nhờ loại cây trồng này mà gia đình tôi thoát cảnh nghèo, có của ăn của để. Hiện khóm có giá cao, 12.000 đồng/trái (cỡ 1,5kg/trái). Đây là giá bán cao nhất từ trước đến nay, những năm trước giá khóm chỉ được khoảng 9.000 đồng/trái. Với 2ha khóm gốc, bình quân mỗi ngày tôi thu một xe (xe máy chở được 2 giỏ lát), bán được 2 triệu đồng.
Còn theo ông Huỳnh Văn Hương ở thị trấn Phú Hòa, đoán trước thị trường tiêu thụ khóm sẽ tăng vào mùa nắng nóng nên trước đó 5 tháng, ông đã kích thích cho cây ra trái theo ý mình. Hiện trong 4ha khóm của gia đình ông thì có 3ha đang cho trái rộ. Để thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch, mùa này ông Hương ở luôn trong khu vực trồng khóm. Nhờ có nước tưới nên trái khóm nhà ông to, bình quân mỗi ngày ông thu hoạch được 2 xe khóm (4 giỏ lát khóm) bán được gần 5 triệu đồng. “Để tránh tình trạng khóm ra trái đại trà, chín đồng loạt, dẫn đến nhũng hàng, mất giá, nhiều năm nay, người trồng khóm ở Đồng Din đã áp dụng biện pháp tưới cặn gió đá cho khóm để can thiệp, điều chỉnh thời gian ra trái, rải đều vụ thu hoạch trong cả năm. Nhờ vậy, nhiều năm nay, khóm Đồng Din lúc nào cũng giữ được giá. Năm nay, thời tiết nắng nóng nhiều nên sức tiêu thụ tăng, đẩy giá khóm tăng theo, giúp người trồng khóm lãi đậm. Bình quân mỗi hecta khóm một năm cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng; sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 100 triệu đồng/ha”, ông Hương cho biết thêm.
Nhờ có hương vị đặc trưng, hiện nay, khóm Đồng Din không chỉ chinh phục người tiêu dùng trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh ngoài. Bà Lê Thị Minh, một thương lái chuyên thu mua khóm ở Đồng Din, cho biết: Tuy không mướt mát bằng khóm trong miền Nam nhưng khóm Đồng Din có vị ngọt thanh, mùi thơm nhẹ rất đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Bình quân, mỗi ngày tôi thu mua gần 1 tấn khóm để chuyển đi các tỉnh lân cận như Bình Định, Gia Lai để tiêu thụ.
HÌNH THÀNH VÙNG SẢN XUẤT CHUYÊN CANH
Theo Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, vùng khóm của địa phương này thuộc các xã Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc, Hòa Định Tây và thị trấn Phú Hòa. Đây là khu vực đồi dốc, đất sỏi nên không thể trồng được loại cây gì. Từ khi người dân đưa cây khóm về trồng, cây chịu đất, sống tốt và siêng cho trái nên người dân ngày càng mạnh dạn mở rộng diện tích. Đến nay, khu vực trồng khóm đã có hơn 300ha với khoảng 200 hộ trồng. Tuy nhiên, vì cây khóm được trồng trên vùng triền dốc nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thu hoạch và tiêu thụ.
Ông Nguyễn Trung Chánh ở thị trấn Phú Hòa, cho biết: Để giảm sức lao động, mấy năm gần đây, người dân nghĩ ra cách làm ròng rọc từ trên đồi để chuyển khóm. Sau khi hái, cho vô bao, cột chặt vào dây, khóm được thả theo ròng rọc chuyển xuống, đỡ tốn sức vận chuyển. Tuy nhiên, đây chỉ là cách tạm thời, về lâu dài, người dân kiến nghị các ngành đầu tư làm đường đi lại để việc thu hoạch khóm thuận lợi hơn. Ngoài ra, hiện hầu hết các hộ trồng khóm ở Đồng Din đều phải bơm nước từ suối Cái để tưới khóm. Trong khi đó, con suối ngày càng kiệt nước, bà con khó khăn trong việc tìm nguồn nước để sản xuất. Vì vậy, người dân rất mong Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi để vùng trồng khóm được ổn định, cho năng suất cao.
Theo ông Nguyễn Siêng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, khóm được trồng tại Đồng Din đã gần 20 năm. Vùng khóm Đồng Din tạo công ăn việc làm và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương. “Hiện nay, cây khóm là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện Phú Hòa. Khu vực Đồng Din đã trở thành vùng sản xuất chuyên canh cây khóm nên rất cần được đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng trồng khóm này phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa”, ông Siêng nói.
SƠN CA