Thứ Bảy, 19/10/2024 17:19 CH
Nhiều vướng mắc trong đào tạo nghề cho nông dân
Thứ Hai, 25/04/2016 13:59 CH

Các học viên là nông dân ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) được hướng dẫn kỹ thuật chế biến thức ăn cho trâu, bò - Ảnh: N.CHƯƠNG

Trao đổi với Báo Phú Yên về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2016, ông Võ Hữu Sung, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh), cho biết:

 

Năm 2015, trung tâm tổ chức đào tạo được 9 lớp nghề cho 269 học viên là lao động nông thôn gồm các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong đó có 2 lớp điện dân dụng, 1 lớp trồng cây cảnh, còn lại là lớp chăn nuôi thú y (vượt 69 học viên, đạt 135% chỉ tiêu giao). Phát huy những kết quả đạt được, năm 2016, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục giao chỉ tiêu cho trung tâm đào tạo nghề cho 200 lao động nông thôn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trung tâm chưa tổ chức chiêu sinh được lớp nghề nào.

 

* Tại sao trung tâm lại không mở được lớp dạy nghề nào cho lao động nông thôn từ đầu năm đến nay, thưa ông?

 

- Năm 2016, mặc dù Trung ương Hội giao trung tâm chỉ tiêu đào tạo nghề cho 200 lao động nông thôn nhưng đến nay, Trung ương chưa phân bổ kinh phí nên trung tâm chưa thể phối hợp với các địa phương tổ chức chiêu sinh. Mới đây, trung tâm được UBND tỉnh phân bổ 150 triệu đồng, dự kiến sẽ đào tạo 3 lớp nghề cho nông dân (mỗi lớp khoảng 30 học viên). Với nguồn kinh phí này, trung tâm phối hợp với các xã, phường ở TP Tuy Hòa tổ chức chiêu sinh để mở lớp. So với những năm trước, năm nay, việc phân bổ kinh phí của Trung ương và tỉnh quá chậm nên phần nào ảnh hưởng đến việc chiêu sinh. Bởi không phải có tiền thì trung tâm mở lớp liền được vì một số địa phương phải thông báo chiêu sinh tới hai tháng mới cóđủ học viên đăng ký học nghề.

 

* Vậy nguyên nhân nào khiến công tác chiêu sinh đào tạo nghề của một số địa phương bị chậm và gặp khó khăn?

 

- Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy nông dân rất có nhu cầu học nghề, tuy nhiên việc chiêu sinh lại gặp khó vì nhiều nguyên nhân. Trong đó có sự phối hợp không nhịp nhàng và chưa đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là các hội, đoàn thể. Thêm vào đó, một số ngành đào tạo nghề phi nông nghiệp, khi hết khóa học thì học viên không tìm được việc làm nên họ còn e dè, thậm chí chưa mặn mà học nghề. Ngoài ra, một số người còn cho rằng thời gian học nghề 3 tháng là quá dài nên họ không kham nổi. Học thời gian dài, bà con không lo được công việc mưu sinh, đồng áng hàng ngày.

 

Vì nhiều người không đăng ký học nghề nên công tác tuyển sinh đào tạo nghề, nhất là những nghề phi nông nghiệp gặp khó. Do đó, dù ngay từ đầu năm 2016, các xã Bình Kiến, An Phú và phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) đăng ký với trung tâm tổ chức chiêu sinh mở các lớp nấu ăn, điện dân dụng, chăn nuôi thú y và đã tổ chức chiêu sinh từ tháng 2, nhưng đến nay vẫn chưa có đủ học viên để mở lớp.

 

* Theo ông, cần làm gìđể khắc phục tình trạng trên?

 

- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là việc làm thường xuyên và được tổ chức hàng năm. Vì thế, Trung ương, tỉnh cần sớm phân bổ kinh phí để trung tâm có thời gian tổ chức chiêu sinh; đồng thời, hội, đoàn thể các địa phương cần phải phối hợp chặt chẽ trong việc khảo sát, rà soát nhu cầu học nghề của người dân để mở các lớp nghề đúng theo nhu cầu của họ. Từ đó, công tác chiêu sinh sẽ gặp thuận lợi hơn và người dân sẽ tham gia học đông đủ hơn. Bởi sau khi đào tạo các lớp nghề nông nghiệp, học viên vừa nắm lý thuyết vừa áp dụng trực tiếp ngay vào trồng trọt, chăn nuôi nên thuận lợi hơn. Thứ hai, theo tôi cần phải giảm các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, vì hiện nay trung tâm đang thiếu đội ngũ giáo viên giảng dạy cơ hữu, thiếu một số trang thiết bị cần thiết để phục vụ trong dạy nghề; đồng thời chưa tìm được đầu ra cho những học viên sau khi tốt nghiệp khóa học. Vì thế, chúng tôi sẽ kiến nghị Thường trực Hội Nông dân tỉnh đề xuất UBND tỉnh giảm nghề phi nông nghiệp và tăng đào tạo nghề nông nghiệp cho phù hợp với hoạt động của tổ chức hội. Bên cạnh đó, chúng tôi còn kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên để có nguồn trả lương cho giáo viên cơ hữu dạy nghề của trung tâm. Nếu các vướng mắc này được giải quyết, tôi tin rằng công tác đào tạo nghề cho nông dân sẽ thuận lợi và có chất lượng hơn.

 

* Xin cm ơn ông!

 

HIẾU TRUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek