Thứ Hai, 21/10/2024 15:39 CH
Chương trình 135 (giai đoạn 2011-2015):
Góp phần đổi thay vùng miền núi khó khăn
Thứ Bảy, 02/04/2016 13:00 CH

Từ chỗ cơ sở hạ tầng thiếu thốn, sản xuất khó khăn, đến nay sau 5 năm triển khai Chương trình 135 (giai đoạn 2011-2015), bộ mặt các thôn, xã vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã có sự đổi thay rõ rệt. Nhiều công trình phục vụ dân sinh được xây dựng và đưa vào sử dụng. Đồng bào được học hỏi kỹ thuật canh tác mới, được hỗ trợ giống, nông cụ nên sản xuất đạt hiệu quả kinh tế.

 

Từ nguồn vốn Chương trình 135, đồng bào ở xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân) được hỗ trợ đào giếng phục vụ sinh hoạt - Ảnh: M.DUYÊN

 

KHANG TRANG THÔN, XÃ

 

Ông Võ Trọng Nam, Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), cho biết: Xuân Lãnh là xã miền núi đặc biệt khó khăn, với 9.211 khẩu sinh sống ở 8 thôn, trong đó 4 thôn có đồng bào dân tộc thiểu số với 3.723 khẩu. Nhiều năm trước, đời sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn do không được đầu tư cơ sở hạ tầng. Trình độ dân trí thấp nên người dân không chủ động học hỏi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi chậm. Qua 5 năm thực hiện Chương trình 135, xã đã có thêm vốn để lồng ghép với các chương trình, dự án khác nên bộ mặt thôn, xã đã thay đổi từng ngày, kết cấu hạ tầng tăng thêm, từ đó hỗ trợ cho sản xuất đi vào ổn định và phát triển. Cụ thể, từ 7,5 tỉ đồng vốn Chương trình 135, xã đã tu sửa, nâng cấp trên 3.500m đường giao thông nông thôn, làm mới hơn 650m đường, bảo dưỡng gần 7.350m đường nội đồng và nhà sinh hoạt cộng đồng ở các thôn trong xã. Đường khang trang, rộng rãi giúp bà con đi lại, vận chuyển nông sản dễ dàng hơn, mở rộng giao thương với các xã trong huyện.

 

Bên cạnh hạ tầng đường giao thông nông thôn thì các công trình nước được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135 đang phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu dân sinh của đồng bào. Theo ông Lê Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh), ngoài 8,6km đường giao thông nông thôn, 6,5km đường nội đồng, trên 2km kênh mương và xây dựng được 7 nhà văn hóa thôn thì công trình nước tập trung được đầu tư có công suất 500m3/ngày, với tổng kinh phí 15 tỉ đồng, đã phục vụ đủ nước sinh hoạt cho hơn 1.000 hộ dân trong xã.

 

Hai thôn Mả Vôi và Quang Dù, xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) nhờ được đầu tư hạ tầng cơ sở, hỗ trợ sản xuất đã vươn lên thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Già làng Lê Liên ở thôn Mả Vôi, cho biết: Thôn Mả Vôi chủ yếu đồng bào dân tộc Ê Đê sinh sống. Ngày trước, bà con sống trong vùng trũng nên khổ lắm. Nhà dột nát, đường sá lầy lội, hễ nước lũ kéo về là nhà sập. Nay thì đời sống khác rồi, bà con được di dời lên cao, có đường bê tông, có nhà văn hóa, nhà ở cũng được xây kiên cố… Đồng bào có cuộc sống ổn định như hôm nay là nhờ được đầu tư vốn từ Chương trình 135.

 

GIÚP XÓA ĐÓI, GIẢM NGHÈO

 

Bên cạnh hạ tầng cơ sở, bà con còn được hỗ trợ sản xuất thông qua hỗ trợ trực tiếp cây, con giống, nông cụ sản xuất và kỹ thuật canh tác. Từ đây, đồng bào không còn phải lo cái đói giáp hạt mà còn có điều kiện thoát nghèo. La Thanh Phục, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), thông tin: Xã Sơn Phước có 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, gồm Chăm H’roi, Ba Na, Ê Đê… Nguồn thu nhập chính của bà con là từ sản xuất nông nghiệp với cây mía và con bò lai. Từ nguồn vốn Chương trình 135, UBND xã đã mua bò, mía giống và nhân rộng mô hình mía giảm nghèo bền vững. Cụ thể, 60 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ 60 con bò giống, 73 hộ nghèo được hỗ trợ trên 140 tấn mía giống, phân bón, 8 hộ nghèo được tham gia dự án Trồng mía giảm nghèo. Nhờ vậy, đồng bào có cơ sở vật chất ban đầu phục vụ cho sản xuất, ổn định cuộc sống. Hàng năm, xã giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 2-3%. Hiện toàn xã còn hơn 100 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ hơn 12%, giảm hơn 3% so với năm đầu tiên triển khai Chương trình 135.

 

Còn theo La Lan Qua ở thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) thì gia đình bà nhờ được hỗ trợ bò nên giờ đã thoát nghèo. “Bao năm qua, tôi muốn đầu tư cho sản xuất mà không biết lấy gì làm, bò không có, lúa giống cũng không. Giờ gia đình tôi không còn là hộ nghèo nữa, vì được Nhà nước cho con bò. Chúng tôi chăm sóc bò cẩn thận, nó đẻ được bê con, gia đình tôi có thêm của rồi…”, La Lan Qua nói.

 

Nhờ nguồn vốn Chương trình 135, nhiều mô hình sản xuất đã phát huy hiệu quả, giúp thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu của bà con. Điển hình có mô hình lúa lai ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa). Ma Len ở buôn Chơ, xã Krông Pa, chia sẻ: Ngày trước, tôi cũng đi rẫy từ sáng tới tối làm lúa mà nhà vẫn đói. Làm lúa dựa vào nước trời nên mùa được mùa mất, sản lượng cao nhất cũng chỉ đạt 55 tạ/ha/vụ. Từ khi được hướng dẫn làm lúa lai, có công trình thủy lợi đưa nước về, cây lúa phát triển tốt, cho sản lượng tới 70 tạ/ha. Giờ trong nhà mình lúc nào cũng có lúa, chẳng còn đói nữa.

 

ĐỒNG BÀO XÓA BỎ ĐƯỢC TẬP QUÁN DU CANH DU CƯ

 

Toàn tỉnh có 19 xã và 34 thôn, buôn đặc biệt khó khăn được đầu tư vốn từ Chương trình 135, giai đoạn 2011-2015. 5 năm qua, gần 5.600 lượt hộ được hỗ trợ sản xuất với kinh phí hơn 19 tỉ đồng. Theo đó, 5 mô hình sản xuất được trình diễn giúp đồng bào tiếp cận với kỹ thuật canh tác mới. Đồng bào được hỗ trợ kỹ thuật, giống để phát triển sản xuất. Vùng đồng bào miền núi được xây dựng hơn 160 công trình hạ tầng cơ sở, gồm 33 công trình giao thông, 12 công trình thủy lợi, 41 công trình trường học, 10 công trình điện sinh hoạt, 25 công trình nước sinh hoạt… Từ đây, bộ mặt thôn, xã khang trang hơn, hạ tầng đã hỗ trợ đắc lực cho sản xuất phát triển. Vì vậy, tỉ lệ hộ nghèo vùng miền núi đặc biệt khó khăn giảm từ hơn 56% năm 2011 xuống còn 28,9% năm 2015, giảm hơn 27% trong vòng 5 năm. Hơn hết, đồng bào đã xóa bỏ được tập quán du canh du cư mà ổn định sản xuất và sinh hoạt tại chỗ.

 

Ông Phan Hữu Đại, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek