Thứ Ba, 22/10/2024 16:37 CH
Xử lý chất thải chăn nuôi: Người dân cần quan tâm hơn nữa
Thứ Hai, 21/03/2016 13:00 CH

Thời gian qua, các ngành chức năng đã triển khai nhiều mô hình hướng dẫn người dân xử lý chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên, tỉ lệ hộ chăn nuôi có sử dụng các biện pháp xử lý chất thải vẫn còn thấp. Để đảm bảo môi trường chăn nuôi, hạn chế dịch bệnh, người chăn nuôi cần quan tâm hơn nữa đến công tác này.

 

NHIỀU BIỆN PHÁP XỬ LÝ

 

Theo Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh có khoảng 236.300 hộ chăn nuôi, bình quân mỗi năm có khoảng 2,3 triệu tấn chất thải đưa ra môi trường. Để giải quyết lượng chất thải này, thời gian qua, ngành Nông nghiệp, các địa phương và người chăn nuôi đã thực hiện nhiều biện pháp xử lý.

 

Ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân), cho biết: “Trang trại nuôi heo của gia đình tôi luôn duy trì đàn ổn định khoảng 1.000 con; lượng phân và nước tiểu do heo thải ra mỗi ngày khá lớn. Tôi đã xây hầm biogas để xử lý chất thải và thu khí gas phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi của trang trại”. Cũng theo ông Hùng, không chỉ trang trại của gia đình ông mà hầu hết các trại nuôi heo ở đây đều có hầm biogas để giải quyết lượng chất thải chăn nuôi. Nhờ vậy, vệ sinh môi trường được đảm bảo, góp phần hạn chế dịch bệnh. Còn ông Nguyễn Văn Thành ở thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa), cho hay: Hiện nhà tôi có hai dãy chuồng nuôi gà công nghiệp với tổng đàn 1.500 con. Cả hai dãy chuồng đều có đệm lót sinh học bằng men Balasa N01. Nhờ lớp đệm này mà tất cả phân thải của đàn gà đều được xử lý gọn và không còn mùi hôi như trước.

 

Ngoài những biện pháp trên, hiện các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn xử lý chất thải bằng một số biện pháp thô sơ hơn như thu gom chất thải bán hoặc ủ phân để bón ruộng. Ông Văn Kim Thịnh ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), cho biết: Tất cả chất thải từ đàn cút hơn 10.000 con của gia đình đều được thu gom và bán cho thương lái đưa lên Đắk Lắk sản xuất phân vi sinh. Cách xử lý này giúp trại nuôi cút luôn sạch sẽ, gia đình cũng có thêm một khoản thu từ bán phân.

 

Theo ông Phạm Xuân Quang, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT), đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 64.000 hộ chăn nuôi có áp dụng các biện pháp xử lý chất thải. Trong đó, khoảng 2.630 hộ chăn nuôi có hầm biogas để xử lý chất thải, chiếm tỉ lệ 4%; gần 500 hộ chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, chiếm khoảng 0,8% và khoảng 50% hộ chăn nuôi thu gom chất thải để bán hoặc ủ phân.

 

CÒN NHỮNG HẠN CHẾ

 

Bên cạnh những hộ nuôi chú ý xử lý chất thải thì trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều gia đình chưa quan tâm đến vấn đề này. Nhiều hộ chăn nuôi vô tư xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý, chủ yếu là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô đàn ít và thường tập trung ở những xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với tập quán chăn nuôi thả rông. Mí Hơn ở buôn Ly, xã Ea Trol (huyện Sông Hinh), cho biết: Nhà tôi nuôi được chục con bò và đàn heo đen nhưng lâu nay, tôi không quan tâm đến việc thu gom phân của chúng. Thỉnh thoảng khi dọn chuồng, tôi quét hết ra ngoài vườn.

 

Ông Phạm Xuân Quang, cho biết: Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn và tuyên truyền đến người dân những biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên, mức độ tiếp nhận của người dân vẫn còn hạn chế, tính nhân rộng của các mô hình vẫn chưa cao… Hiện toàn tỉnh vẫn còn khoảng 45.200 hộ chăn nuôi, chiếm khoảng 41% không áp dụng bất kỳ biện pháp xử lý chất thải nào. Tất cả chất thải chăn nuôi đều bị xả trực tiếp ra ngoài, gây nhiều tác động xấu đến môi trường. Thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục triển khai nhiều mô hình, tổ chức thêm các lớp tập huấn phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi để hướng dẫn cho người dân, góp phần thay đổi nhận thức và thói quen trong chăn nuôi. Nhà nước cũng cần có chính sách thu hút đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế vào lĩnh vực bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường đặc biệt là phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi…

 

Việc xử lý chất thải chăn nuôi là một trong những khâu quan trọng góp phần đem đến thành công cho người chăn nuôi. Chất thải được xử lý đúng cách và khoa học góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi, hạn chế mầm bệnh trong không khí, giúp giảm rủi ro do dịch bệnh. Ngược lại, chất thải không được xử lý hoặc xử lý không đúng cách là tác nhân hủy hoại môi trường, làm cho nhiều loại vi rút phát sinh gây dịch bệnh, thiệt hại lớn đến kinh tế.

 

Chi cục trưởng Chi cục Thú y Phú Yên Đào Lý Nhĩ

 

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek