Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) từng bước phát triển sâu, rộng ở hầu khắp các vùng nông thôn ở huyện Sông Hinh trong thời gian qua. Nông dân đã tự phát huy nội lực, tìm ra cung cách làm ăn mới, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển nhiều ngành nghề có hiệu quả. Nhờ đó, ngày càng có thêm nhiều hộ nông dân thoát đói, vượt nghèo và vươn lên làm giàu.
Nông dân xã EaTrol (Sông Hinh) sản xuất lúa nước – Ảnh: N.L
Chủ tịch Hội nông dân (HND) huyện Sông Hinh A Ma Rái cho biết, trong hai năm qua, các cấp hội nông dân đã bầu chọn được 1.852 hộ SXKDG ở các cấp, chiếm 21,39% so với tổng số hộ nông nghiệp trên địa bàn huyện. Trong đó có 21 hộ điển hình xuất sắc đạt cấp quốc gia với mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/ khẩu/tháng; 150 hộ SXKDG đạt cấp tỉnh với mức thu nhập 1,5 triệu đồng/khẩu/tháng. Hiệu quả của phong trào SXKDG đã tác động thúc đẩy hộ nông dân đầu tư phát triển vườn đồi, vườn rừng, trang trại sản xuất các loại cây công nghiệp, xen canh các loại cây họ đậu, nuôi bò đàn, nuôi gà thả vườn… Phong trào nông dân thi đua SXKDG mở ra cho nông dân hướng phát triển kinh tế đa dạng, thực hiện “ai giỏi nghề gì làm nghề đó”, tạo cho nông dân một năng lực tiếp cận với kinh tế thị trường. Cũng từ phong trào nông dân SXKDG, đến nay huyện Sông Hinh đã định hình được 8 mô hình SXKDG để đầu tư nhân rộng.
Nổi bật nhất là mô hình vườn- ao- chuồng (VAC) và kinh tế trang trại. Toàn huyện hiện có 492 trang trại, trong đó có 277 trang trại trồng cây hàng năm, 76 trang trại chăn nuôi… Trang trại trồng cây lâu năm kết hợp với sản xuất VAC như chăn nuôi bò, heo, gà, ao cá… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng/hộ/năm, điển hình như các hộ ông Ma Bay, Thái Văn Hùng (xã EaTrol), Võ Kỷ, Dương Đình Sự (xã Đức Bình Tây), ông Nguyễn Văn Thông (thị trấn Hai Riêng). Sản xuất thâm canh cây lương thực kết hợp với chăn nuôi là mô hình khá thích hợp trên địa bàn huyện Sông Hinh, góp phần đưa diện tích gieo trồng toàn huyện lên 17.767ha và phát triển được trên 36.000 con bò. Ông Ma Lức, một nông dân ở buôn Bách, thị trấn Hai Riêng, cho biết bà con đã thay đổi nhanh tập quán chuyên canh tác cây lúa thổ một vụ có năng suất thấp sang trồng các loại cây lương thực có giá trị khác như bắp lai, sắn cao sản… Nhờ biết học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chọn các loại cây trồng phù hợp với từng vùng, từng loại đất, nên năng suất, sản lượng thu hoạch luôn tăng cao. Mô hình này đã làm tăng thêm nguồn thu nhập kinh tế ổn định cho nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp và nông thôn mới…
Cũng theo ông A Ma Rái, Chủ tịch HND huyện Sông Hinh, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển phong trào nông dân thi đua SXKDG tập trung ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, bằng cách đầu tư nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, nhất là mô hình kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, mô hình sản xuất nông nghiệp từ 3-5 ha đạt giá trị 40-50 triệu đồng/ha/năm. Các cấp HND xây dựng các cụm hội viên nông dân sản xuất cây trồng đạt năng suất cao và chất lượng. Gắn phong trào nông dân thi đua SXKDG với giải quyết việc làm, hỗ trợ chương trình xoá đói giảm nghèo trong nông dân.
NGUYÊN HƯƠNG