Chủ Nhật, 27/10/2024 12:30 CH
Thanh toán không dùng tiền mặt:
Thay đổi thói quen từ người dân, doanh nghiệp
Thứ Sáu, 01/01/2016 00:00 SA

Theo Quyết định 2453/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015, thì đến cuối năm 2015, tỉ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán thấp hơn 11%. Tuy nhiên, tại Phú Yên, mục tiêu này không thể đạt được. Trao đổi với Báo Phú Yên, ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, cho biết:

 

- Dịch vụ thanh toán qua ngân hàng ở Phú Yên đến đầu tháng 12/2015 đạt doanh số 456.192 tỉ đồng với gần 6,8 triệu lượt giao dịch. Trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt 276.857 tỉ đồng với 3,5 triệu lượt giao dịch, chiếm 60,7%/tổng dịch vụ thanh toán; thanh toán dùng tiền mặt 179.335 tỉ đồng với gần 3,3 triệu lượt giao dịch, chiếm tỉ trọng 39,3%/tổng dịch vụ thanh toán.

 

* Theo ông, nguyên nhân nào khiến tỉ trọng thanh toán dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh còn cao?

 

Ông Nguyễn Văn Hàn - Ảnh: L.HẢO

- Tỉ trọng thanh toán dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh còn cao, trước hết là vì đa phần người dân trên địa bàn tỉnh vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt khi mua, bán. Bằng chứng là nhiều cán bộ công chức, viên chức, người lao động, mặc dù đã được trả lương qua thẻ và có thể dùng thẻ này để thanh toán khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ, nhưng họ vẫn dùng thẻ rút tiền rồi mới đi thanh toán khi mua bán, tiêu dùng. Chưa kể, tại các vùng nông thôn, miền núi ở Phú Yên, vì điều kiện việc phát triển thanh toán qua điểm chấp nhận thẻ còn hạn chế nên người dân cũng chỉ có thể thanh toán bằng tiền mặt mà thôi.

 

Về mặt khách quan, theo tôi được biết ở các thành phố lớn, việc người dân sử dụng tiền mặt trong thanh toán vẫn phổ biến. Tuy nhiên, các thành phố lớn có hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động, có nhiều doanh nghiệp lớn, hoạt động thanh toán của họ chủ yếu qua tài khoản ngân hàng với số tiền giao dịch mỗi lần rất lớn nên tính ra, tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ở các nơi này rất cao, dẫn đến tỉ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán không đáng kể. Ngược lại, tại Phú Yên, hầu hết doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, điều kiện thanh toán qua ngân hàng giữa các doanh nghiệp còn hạn chế, doanh số thanh toán qua ngân hàng không lớn nên tác động không đáng kể đến tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn.

 

* Khó khăn đã rõ nhưng để thực hiện đề án Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015, ngành Ngân hàng Phú Yên đã làm gì, thưa ông?

 

- Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, Kho bạc Nhà nước phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại triển khai, mở rộng việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thì tích cực tiếp thị, kêu gọi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở tài khoản thanh toán qua ngân hàng. Các tổ chức tín dụng cũng vận động các đối tượng có thu nhập mở thẻ; đồng thời tăng cường lắp đặt ATM ở các khu vực đông dân cư, bố trí POS ở các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch để khuyến khích khách hàng thanh toán. Nhưng trên thực tế, hiệu quả của những việc làm nói trên vẫn chưa cao. Hiện trên địa bàn có khoảng 88 ATM và 261 máy POS nhưng doanh số thanh toán không dùng tiền mặt qua các phương tiện này rất thấp. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 80% đối tượng hưởng lương từ ngân sách đã được trả lương qua thẻ (trừ cán bộ hưu trí và một số địa phương ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện nhận lương qua thẻ) nhưng những người này chủ yếu dùng thẻ để rút tiền chứ không dùng để thanh toán nên những nỗ lực của ngành Ngân hàng Phú Yên trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt chưa thể tạo ra bước đột phá, thói quen và tâm lý của người dân vẫn chưa thể thay đổi.

 

Rất ít người dân Phú Yên sử dụng thẻ thanh toán hóa đơn khi mua hàng - Ảnh: L.HẢO

 

* Vậy kế hoạch của ngành Ngân hàng Phú Yên trong thời gian tới để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền trên địa bàn tỉnh là gì, thưa ông?

 

- Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, không riêng ở Phú Yên mà các tỉnh lẻ khác mục tiêu tỉ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán thấp hơn 11% cũng khó đạt được. Còn trên cả nước thì theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng phương tiện thanh toán tiền mặt ở mức 14% năm 2011 đã giảm xuống còn 12% năm 2015. Với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, ngành Ngân hàng Phú Yên vẫn tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong việc thanh toán không dùng tiền mặt nhằm giảm tỉ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán đến mức thấp nhất có thể. Chúng tôi cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai các biện pháp như hậu mãi, không thu phí khi thanh toán qua POS, giải ngân vốn qua tài khoản, qua thẻ ATM…; đồng thời phát triển và gia tăng các dịch vụ tiện ích trên thẻ thanh toán để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng. Về mặt quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khuyến khích các ngân hàng mở rộng mạng lưới hoạt động ở vùng nông thôn để tạo điều kiện cho người dân khu vực này từng bước tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng hiện đại. Chúng tôi cũng tích cực giám sát, kịp thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn bám sát, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà ngành Ngân hàng đã đề ra.

 

* Xin cảm ơn ông!

LÊ HẢO (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek