Thứ Hai, 28/10/2024 04:21 SA
Kinh doanh dịch vụ ăn uống:
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Thứ Tư, 23/12/2015 09:43 SA

Một điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống ở TP Tuy Hòa - Ảnh: K.ANH

Dịch vụ ăn uống ngày càng phát triển nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, quản lý để hạn chế vi phạm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

 

NGUY CƠ MẤT AN TOÀN

 

Dịch vụ ăn uống xuất hiện tại TP Tuy Hòa ngày càng nhiều. Để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ này phải tuân thủ các điều kiện cần thiết theo quy định của Bộ Y tế. Bác sĩ Đoàn Hùng Ánh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa, cho biết: Theo quy định, những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải treo, dán công khai giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc giấy cam kết đủ các điều kiện ATVSTP để người dân biết; công bố rõ nguồn gốc thực phẩm mua vào, địa chỉ cung cấp, hóa đơn giao nhận hàng. Chủ cơ sở cũng phải lưu mẫu thức ăn sau khi đã chế biến trong vòng 24 giờ để làm căn cứ thẩm định chất lượng nếu có sự cố xảy ra. Người trực tiếp tham gia chế biến thức ăn, đồ uống phải khám sức khỏe định kỳ, trang bị đồ bảo hộ trước khi vào bếp…

 

Tuy nhiên, qua khảo sát tại một số điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống trong tỉnh, nhiều cơ sở chưa thực hiện đúng quy định. Phần lớn các điểm bán không công khai giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy khám sức khỏe của những cá nhân tham gia chế biến, chưa trang bị đồ bảo hộ đầy đủ… đặc biệt là không có hóa đơn, chứng từ về nguồn gốc thực phẩm trước chế biến. Bà Tô Thị Nhung, chủ một quán ăn ở phường 6, TP Tuy Hòa, cho hay: Tôi mua thực phẩm ở các chợ và không nhận hóa đơn, chứng từ hay điều kiện ràng buộc gì từ phía người cung cấp. Người dân bán mớ rau, con cá, ai đâu làm hóa đơn, mà có lấy hóa đơn thì cũng không có tác dụng gì. Vì nếu xảy ra sự cố, dù chủ quán có quy trách nhiệm cho người cung cấp thực phẩm thì chưa chắc họ nhận trách nhiệm, có khi còn đổ lỗi cho những yếu tố khác…

 

Điều kiện kinh doanh, nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất ATVSTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo bà Lê Thị Mỹ Chung ở phường 5, TP Tuy Hòa, mới đây, sau khi cùng gia đình đi ăn hải sản ở một quán ăn trên đường Trần Phú, TP Tuy Hòa, về nhà bà Chung thấy đau bụng và có dấu hiệu nôn ói. Sợ ảnh hưởng sức khỏe, bà Chung liền đến bác sĩ tư nhân khám. Theo lời bác sĩ thì bà Chung có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm nhưng không đến mức nghiêm trọng. Một trường hợp khác, bà Trần Thị Thanh, phụ huynh em Huỳnh Thị Kim Thư, học sinh một trường THPT ở TP Tuy Hòa, kể: Cách đây khoảng 1 tuần, Thư và một số bạn uống trà sữa ở một quán thuộc phường 7, TP Tuy Hòa. Về nhà, Thư thấy đau đầu, hơi khó thở. Nghi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, tôi đưa cháu đến bác sĩ khám.

 

ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN

 

Theo bác sĩ Đoàn Hùng Ánh, hiện Phú Yên nói chung, TP Tuy Hòa nói riêng còn nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm về ATVSTP. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của người kinh doanh về vấn đề này còn hạn chế. Mặt khác, do quy mô dịch vụ chỉ ở mức nhỏ lẻ, kinh doanh chạy theo lợi nhuận nên người bán chưa chú trọng chất lượng dịch vụ. “Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa chỉ quản lý được những điểm kinh doanh cố định, riêng các điểm bán thức ăn đường phố, bán rong, nhỏ lẻ thuộc tuyến xã, phường thì khó thực hiện công tác này, nhất là về xử lý vi phạm. Tuy nhiên, trong thời gian đến, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền đến từng người dân, tăng cường kiểm tra, tái kiểm tra tại các cơ sở, nhất là dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa cũng kiến nghị cơ quan chức năng nêu tên các cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông để người tiêu dùng nhận diện, không mua hay sử dụng thực phẩm của các cơ sở này”, bác sĩ Ánh nói.

 

Theo bà Lê Thị Kim Huê, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, để quản lý tốt vấn đề ATVSTP ở các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, công tác tuyên truyền phải được chú trọng nhiều hơn. Trong thời gian đến, chi cục tiếp tục tập huấn chương trình ATVSTP cho cán bộ y tế 9 huyện, thị xã, thành phố; tuyên truyền trực quang trên pano, áp phích về ATVSTP; đồng thời lồng ghép tuyên truyền thông qua các hội đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và các trường học trên địa bàn tỉnh…

 

Từ đầu năm đến nay, Chi cục ATVSTP tỉnh đã thành lập 34 đoàn thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất 271 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống giải khát; trong đó có 57 cơ sở vi phạm, bị phạt gần 128,7 triệu đồng. Trong năm 2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ với 63 người mắc, có 61 người nhập viện, không có trường hợp tử vong. So với năm 2014 số vụ ngộ độc thực phẩm giảm 1 vụ, số người mắc tăng 48 người.

 

Bà Lê Thị Kim Huê, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh

 

KHANG ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek