Thứ Hai, 28/10/2024 22:33 CH
Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Thứ Bảy, 12/12/2015 08:12 SA

Nông dân tham gia mô hình làm đất bằng máy cày đất đa năng do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tổ chức - Ảnh: T.TIÊN

Nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Phú Yên chú trọng đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đây là bước phát triển mới cần được tiếp tục đẩy mạnh.

 

HIỆU QUẢ KINH TẾ 

 

Theo Sở NN-PTNT, định hướng phát triển cơ giới hóa trong trồng trọt đến năm 2020 của tỉnh gồm: Mức độ cơ giới hóa đạt 100% đối với khâu làm đất, 50% trong khâu gieo cấy lúa, 85% trong khâu phun thuốc bảo vệ thực vật, 85% trong khâu thu hoạch…

Theo Sở NN-PTNT, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh khoảng 130.000ha. Trong đó, cây lúa hơn 51.000ha (hai vụ), cây sắn hơn 21.000ha, cây mía 24.000ha… Để cắt giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, giải phóng sức lao động cho người nông dân, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh rất chú trọng đến việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt là trong sản xuất lúa với nhiều loại máy như máy cày đất, máy sạ hàng, máy cắt lúa, máy gặt đập liên hợp..., mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người nông dân. 

 

Ông Trần Ngọc Thọ ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An), cho hay: Trước đây làm ruộng khổ lắm, tất cả các khâu từ làm đất, sạ giống, gặt đều phải làm thủ công, bằng sức người. Hồi đó, gặt mỗi sào lúa (500m2) phải mất 3 công. Gặt rồi phải chờ máy đến tuốt mới chở lúa về nhà để phơi. Còn bây giờ khi được cơ giới hóa, chỉ cần 10 phút là máy gặt đập liên hợp có thể vừa cắt, vừa tuốt và vô bao luôn tại ruộng, bà con chỉ việc chở về nhà phơi là xong. So với làm thủ công, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa đã góp phần cắt giảm đáng kể chi phí đầu tư. Cụ thể, nếu làm thủ công, mỗi sào lúa tốn khoảng 450.000 đồng công gặt và cuốn, cộng thêm 35.000 đồng công tuốt, tổng cộng thu hoạch mỗi sào lúa tốn gần 500.000 đồng. Trong khi đó, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp chỉ tốn 120.000 đồng/sào, rẻ hơn nhiều. 

 

Theo Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, tổng diện tích trồng lúa của huyện có khoảng 5.500ha/vụ. Bình quân mỗi vụ sản xuất có gần 4.000ha lúa được gặt bằng máy, trong đó hơn 2.600ha được gặt bằng máy gặt đập liên hợp giúp rút ngắn thời gian thu hoạch lúa của địa phương khoảng 10 ngày so với trước. Đồng thời, việc sử dụng máy móc cơ giới trong sản xuất còn giúp giảm chi phí đáng kể. So với thu hoạch thủ công, thu hoạch bằng máy giảm hơn 50% chi phí. 

 

Không chỉ giúp giảm chi phí đầu tư, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất còn giúp giải quyết được bài toán thiếu lao động mùa vụ cho nhiều nông dân. Ông Đinh Văn Chín ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), cho biết: Trước đây khi chưa có máy móc, mỗi khi bước vào vụ trồng mía mới, gia đình tôi phải rất vất vả tìm lao động để xuống giống cho kịp vụ. Bây giờ, các khâu từ làm đất, rạch hàng, vun đất đều được làm bằng máy nên rất nhanh và tiện lợi, chi phí lại thấp hơn. Nhờ đưa cơ giới hóa vào sản xuất mía mà gia đình tôi an tâm mở rộng thêm diện tích trồng mía lên 7ha. 

 

NHIỀU KHÓ KHĂN 

 

Theo Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh có hơn 1.100 máy kéo hai bánh, khoảng 600 máy kéo loại 4 bánh, hơn 400 máy kéo có công suất trên 35 mã lực, gần 600 máy kéo có công suất dưới 35 mã lực, 130 máy gặt lúa liên hợp, gần 300 máy gặt xếp, khoảng 240 máy sạ hàng… phục vụ cho các khâu gieo trồng, thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp. Tính bình quân, với số lượng máy móc trên, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn khá thấp, chỉ khoảng 1,1 mã lực/ha đất canh tác, đạt 50% mức bình quân chung của cả nước. 

 

Để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều mô hình, dự án hỗ trợ cho nông dân. Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở NN-PTNT), thời gian qua, từ nguồn kinh phí của dự án khuyến nông Trung ương, trung tâm đã triển khai nhiều mô hình áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp như: mô hình sạ hàng, sạ thưa bằng máy, mô hình cày đất bằng máy làm đất đa năng, mô hình thu hoạch mía bằng máy nâng xếp mía… mang lại hiệu quả thiết thực. Ông Đinh Văn Đạo ở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), cho biết: Từ khi áp dụng phương pháp làm đất, rạch hàng để trồng mía bằng máy làm đất đa năng do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư triển khai, gia đình tôi đã giảm được khoảng 30% chi phí công lao động khi bước vào vụ trồng mới. 

 

Tuy nhiên, hiện nay, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho hay: Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, nhưng thực trạng sản xuất nông nghiệp ở Phú Yên còn mang tính nhỏ lẻ, ruộng đất manh mún, hạ tầng giao thông đồng ruộng chưa được đầu tư, nông dân còn thiếu vốn đầu tư máy móc, lao động nông nghiệp phần lớn chưa qua đào tạo… Đây là những trở ngại làm cho tốc độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh chưa cao. Thời gian tới, Phú Yên cần quan tâm, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đồng ruộng; thực hiện dồn điền, đổi thửa… tạo ra những cánh đồng lớn giúp nông dân, doanh nghiệp an tâm đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

 

 

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek