Thứ Ba, 29/10/2024 02:38 SA
Cộng đồng kinh tế ASEAN:
Doanh nghiệp phải chủ động cập nhật thông tin
Thứ Năm, 10/12/2015 09:33 SA

Chế biến gỗ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Phú Yên - Ảnh: V.NGUYÊN 

Còn hơn nửa tháng nữa là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức được thành lập. Thông tin quan trọng nhất là 99% dòng thuế xuất, nhập sẽ giảm dần về 0%. Vậy doanh nghiệp ở Phú Yên đã nắm bắt thông tin này như thế nào để xác lập vị trí của mình trên thị trường đầy cạnh tranh?

 

NHIỀU KHÓ KHĂN

 

Ông Đỗ Trọng Định, Giám đốc Công ty TNHH Tân Bình Phú, chuyên chế biến gỗ xuất khẩu, cho biết ông thường xuyên nghe các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng thực sự đến nay ông vẫn không hình dung được những tác động tích cực cũng như tiêu cực đến lĩnh vực chế biến gỗ như thế nào. “Tôi vào mạng internet cập nhật thông tin kinh tế để phục vụ hoạt động kinh doanh và chỉ thấy nói chung chung về giảm thuế hàng hóa của các nước ASEAN khi vào thị trường Việt Nam; đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội bán hàng sang các nước trong khối ASEAN. Chỉ chung chung vậy thôi. Tôi muốn tìm hiểu thông tin cụ thể về lĩnh vực chế biến gỗ sẽ cạnh tranh ra sao, nhu cầu thị trường của từng nước trong khối thì không thấy đề cập tới. Điều này khiến tôi rất lúng túng trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu tại các nước trong khối Asean”, ông Định nói.

 

Không riêng ông Định, phần lớn chủ doanh nghiệp sản xuất khác ở Phú Yên chưa quan tâm nhiều đến AEC hoặc Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp có hiệu lực. “Trong quá trình giao dịch với các đối tác, tôi chưa thấy họ đề cập đến vấn đề tham gia AEC như thế nào, nên tôi cũng chưa chủ động tìm hiểu thông tin liên quan đến vấn đề này”, chủ một doanh nghiệp may mặc xuất khẩu nói.

 

Trong khi đó, khi AEC được hình thành thì thuế suất sẽ xuống còn 0%. Nhưng để hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam có thể tiêu thụ được ở các quốc gia trong khối cũng không phải dễ dàng, bởi các quốc gia này sẽ dựng lên các hàng rào kỹ thuật, đòi hỏi các doanh nghiệp phải theo quy định của nước sở tại. Và một khi khối ASEAN thông thương hơn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng phải cạnh tranh với các doanh nghiệp từ các nước trong khối tràn vào đầu tư, lúc đó tình hình sẽ thêm khó khăn. Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương Phú Yên, cho biết, việc tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và AEC nói riêng được đơn vị triển khai thường xuyên từ nhiều năm nay, trong đó có việc tổ chức lớp tập huấn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do kinh phí cho hoạt động này còn hạn chế, cộng với việc một số chủ doanh nghiệp không mặn mà tham gia nên hiệu quả mang lại chưa như mong muốn. “Sắp tới, Sở Công thương sẽ xuất bản sổ tay và mở chuyên mục về hội nhập kinh tế quốc tế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hy vọng việc tuyên truyền lĩnh vực này trong thời gian tới sẽ mang lại kết quả cao hơn”, bà Bích nói.

 

CHỦ ĐỘNG HỘI NHẬP

 

Còn ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, việc thành lập AEC chưa phải là mốc cuối trong tiến trình hội nhập, vì các nước trong khối ASEAN đặt ra bảy mục tiêu lớn và cuối năm 2015 mới thực hiện được một mục tiêu là bãi bỏ thuế quan. Các mục tiêu khác chưa thực hiện, vì vậy ngay từ bây giờ, doanh nghiệp nên tập trung vào xây dựng năng lực sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, chú ý xây dựng thương hiệu, hình ảnh, tạo ra các giá trị gia tăng để tham gia các chuỗi sản xuất khu vực và dần tiếp nhận, ứng dụng các quy trình sản xuất hiện đại để hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp tìm hiểu, so sánh tận dụng các lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do, Cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại.

 

Ở phạm vi cấp tỉnh, để chủ động hội nhập quốc tế, UBND tỉnh vừa chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương; các đoàn thể, mặt trận tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương xác định hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên trong điều kiện hiện nay; tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính ở từng đơn vị, địa phương nhằm tạo điều kiện để các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh giao Sở Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn hoặc thành lập Ban Chỉ đạo hội nhập quốc tế của tỉnh; xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết 31/2014 của Chính phủ về hội nhập quốc tế, trong đó chú trọng việc nâng cao năng lực hội nhập và cạnh tranh. Sở KH-ĐT phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và các cơ quan liên quan rà soát các cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh cho phù hợp với các cam kết quốc tế và yêu cầu của hội nhập; đề xuất các biện pháp tăng cường liên kết giữa các địa phương nhằm phát huy, bổ sung cho nhau các lợi ích để phát triển; đồng thời triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong hội nhập.

 

VÂN NGUYÊN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek