Mua thực phẩm an toàn luôn là mong muốn của nhiều người. Nhưng hiện đa số người bán và người mua đều không biết đâu là thực phẩm an toàn.
TÌM MUA THỰC PHẨM AN TOÀN
Thời gian qua, những thông tin liên quan đến thực phẩm mất an toàn như thịt heo có chất tạo nạc, tôm chứa chất tăng trọng, rau củ quả nhiều phân, thuốc… khiến người dân lo lắng. Nhiều người không dám mua thực phẩm ở chợ mà vào siêu thị mua, số khác thì thông qua người quen hay tìm đến các điểm bán nhỏ, bán dạo để mua. Theo bà Trần Thị Châu ở phường 3, TP Tuy Hòa, bà thường mua thức ăn tại chợ nhưng sau khi nấu, thịt thường có mùi hôi, còn cá thì mới rửa sạch đã có màu óng ánh, giống như bị ướp phân, thuốc. Sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, bà Châu phải nấu nước sôi để chần thịt, cá rồi mới chế biến món ăn. Còn bà Trương Thị Bảy ở phường 7, TP Tuy Hòa, cho hay: “Hiện nay, tôi không biết mua thực phẩm ở đâu mới sạch. Hàng ngày, tôi thường mua thực phẩm của những người bán dạo. Nghe họ nói rau do nhà trồng rồi đem bán, còn cá, tôm thì do ngư dân trong làng đánh bắt được, không ướp phân, thuốc nên tôi cũng đỡ lo”.
Tuy nhiên, liệu những loại thực phẩm như bà Bảy mua có an toàn? Tiểu thương ở các chợ và những người bán hàng dạo kiểu này nói thật hay lợi dụng niềm tin của người dân để quảng cáo, bán hàng? Ông Đặng Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT), cho biết: Kết quả kiểm tra chất lượng thực phẩm tại các điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cho thấy việc thực phẩm không sạch được bán trên thị trường còn diễn biến khá phức tạp. Ngoài việc kinh doanh tại chợ, người dân còn mua bán tự do, nhỏ lẻ nên tình trạng gian lận thương mại còn phổ biến khiến ngành chức năng khó kiểm soát. Song vấn đề là muốn thực phẩm an toàn thì phải an toàn từ khâu sản xuất, cung ứng.
KIỂM SOÁT TỪ KHÂU SẢN XUẤT
Thực tế tại Phú Yên, với nhiều nguồn cung khác nhau, thực phẩm khó được kiểm soát chất lượng. Bà Lê Thị Hạnh, tiểu thương chợ Tân Hiệp, TP Tuy Hòa, chia sẻ: Tôi bán thực phẩm tươi sống hơn 10 năm nay, nhưng có lúc còn không biết đâu là thực phẩm sạch, không sạch. Còn với một số loại thực phẩm nhập từ tỉnh khác về thì tiểu thương như chúng tôi cũng không thể biết được người cung cấp hàng có trà trộn hàng mất an toàn hay không.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các sở Y tế, Công thương tuyên truyền cho người dân những nội dung liên quan đến thực phẩm an toàn. Riêng công tác tuyên truyền về việc nuôi, trồng, sản xuất đảm bảo chất lượng thực phẩm, sản xuất theo hướng an toàn, hạn chế sử dụng hóa chất gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng phần lớn do ngành Nông nghiệp triển khai, nhưng do kinh phí thực hiện còn hạn chế nên công tác tuyên truyền chưa sâu sát đến nhân dân. Vì vậy, ngoài việc thông qua các hội, đoàn thể để phổ biến tuyên truyền nâng cao ý thức người dân thì Nhà nước cần hỗ trợ về tài chính, nhân lực, trang thiết bị… để các cơ quan liên quan có đủ điều kiện thực hiện.
Theo ông Đặng Phúc, để đảm bảo từng khâu, từng công đoạn của chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản được quản lý, giám sát chặt chẽ, nhất thiết phải phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng đơn vị phụ trách. Hiện Sở NN-PTNT xây dựng, tham mưu và trình UBND tỉnh về việc ban hành quy định phân công, phân cấp và phối hợp kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản, quản lý cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ… thuộc phạm vi quản lý của ngành trên địa bàn tỉnh.
Theo Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm của tất cả người tiêu dùng và nhà sản xuất trong chuỗi liên tục của thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn. Các nhà sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm ở Việt Nam phải chịu trách nhiệm đối với sự an toàn của thực phẩm mà họ sản xuất và kinh doanh. Còn người tiêu dùng cần phải thực hiện các biện pháp dự phòng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
(ND) |
KHANG ANH