Chỉ còn một tháng nữa là bước vào vụ lúa đông xuân 2015-2016, thế nhưng hiện nhiều hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh bị thiếu nước. Trước tình trạng nắng hạn giữa mùa mưa, ngành Nông nghiệp triển khai các giải pháp ứng phó tình hình khô hạn và xâm nhập mặn.
MỰC NƯỚC CÁC HỒ XUỐNG THẤP
Theo ông Trần Tiến Anh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam, vụ lúa đông xuân 2015-2016, công ty đảm nhận tưới 17.679ha nhưng năm nay, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh khô hạn, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Hiện dung tích nước trữ tại các hồ chứa đều thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Cụ thể hồ Phú Xuân (huyện Đồng Xuân) mực nước 29,22m/36,5m, dung tích 2,51/11,22 triệu m3, đạt 22%; hồ Đồng Tròn (huyện Tuy An) mực nước 14,00m/35,5m, dung tích 0,30/19,55 triệu m3, đạt 2%; hồ Hóc Răm (huyện Đông Hòa) mực nước 12,47m/23,2m, dung tích 0,50/2,91 triệu m3, đạt 17%; hồ Xuân Bình (TX Sông Cầu) mực nước 69,90m/75,8m, dung tích 3,02/6,43 triệu m3, đạt 47%; hồ Kỳ Châu (huyện Đồng Xuân) mực nước 131,60m/141,1m, dung tích 0,9/3,80 triệu m3, đạt 24%. Với nguồn nước tại đầu mối các hồ thuộc hệ thống thủy nông do công ty quản lý như hiện nay thì hồ Phú Xuân, Hóc Răm, Đồng Tròn đang ở mức thấp.
Ông Nguyễn Văn Hùng, nông dân xã An Nghiệp (huyện Tuy An), cho hay: Mấy ngày nay, tôi đi làm rẫy, ngang qua hồ Đồng Tròn thì thấy nước trong lòng hồ không được như các năm trước. Diện tích mặt nước thu hẹp, các suối phía đầu nguồn đều khô cạn. Sắp bước vào vụ lúa mà mực nước quá thấp không tràn qua cống như thế này, chúng tôi không biết lấy nước đâu để gieo sạ. Theo ông Trình Nhu, Trưởng trạm Thủy nông hồ Đồng Tròn (huyện Tuy An), ngoài việc cung cấp nước để phục vụ sản xuất lúa, cây màu cho hai xã An Định và An Nghiệp, hồ Đồng Tròn còn có công năng điều tiết, hỗ trợ hệ thống thủy nông Tam Giang tưới nước cho một số diện tích sản xuất lúa ở các xã vùng hạ lưu phía bắc của huyện Tuy An. Tuy nhiên do nắng hạn kéo dài nên hiện lượng nước trong hồ giảm mạnh.
Trước tình hình trên, Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam đã xây dựng phương án cấp nước, chống hạn phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2015-2016. Theo đó, trường hợp lượng nước hồ không đủ tưới, công ty sẽ tổ chức bơm trực tiếp từ sông vào các cống đầu kênh để chống hạn. Đơn vị cũng sẽ làm việc với các địa phương và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp về tình hình khô hạn để thông báo nông dân chấp hành tốt lịch phân phối nước của các trạm thủy nông, không được tự ý đào kênh, mở cống khi chưa đến lịch nước tưới của đơn vị; đồng thời thực hiện việc quản lý, phân phối và điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
LO NGẠI XÂM NHẬP MẶN
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 600ha đất nhiễm mặn, tập trung ở các huyện Tuy An trên 300ha, Đông Hòa 200ha, TX Sông Cầu 80ha và TP Tuy Hòa gần 30ha. Các giống lúa đang canh tác tại vùng đất nhiễm mặn không chịu được độ mặn hơn 2‰. Trong khi đó, các cánh đồng ven biển thì ảnh hưởng triều cường, nước biển dâng, độ mặn lên đến 6‰.
Tại cánh đồng Gò Bùn, Đồng Mây rộng gần 50ha ở xã An Cư năm nào nước mặn cũng tràn vào gây ngập úng làm chết lúa, nông dân phải sạ đi, sạ lại nhiều lần. Để đối phó với tình trạng này, nông dân thường sạ dày để trừ hao và bơm nước ngọt rửa mặn cứu lúa. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nông dân lo ngại nắng hạn sẽ làm “đứt” nước ngọt trong kênh, người dân không thể lấy nước rửa mặn. Bà Trần Thị Bảy, người làm ruộng ở xã An Cư, cho biết: Vụ đông xuân năm nào, ruộng ở cánh đồng Đồng Mây, Đồng Vỡ, Ba Biện cũng sạ đi, sạ lại nhiều lần vì bị nhiễm mặn. Riêng năm nay không có mưa rửa mặn, ruộng bị nhiễm mặn tiềm tàng trong đất sẽ khiến cây lúa khó phát triển.
Nông dân làm ruộng ở cánh đồng Bầu Bèo, Đồng Năng thuộc xã An Hòa (huyện Tuy An), năm nào cũng vật lộn với ruộng nhiễm mặn. Ông Phan Tính ở thôn Diêm Hội (xã An Hòa), cho biết: “Có năm lúa mới 10 đến 20 ngày tuổi, nước mặn tràn vào, làm lúa ngã rạp. Sau khi nước rút, nông dân đồng loạt đặt máy bơm, bơm nước ngọt từ các kênh vào để phóng phèn, đồng thời phun thuốc dưỡng lúa. Tuy nhiên, năm nay trời ít mưa, nước ngọt trong các kênh chứa giảm, không đủ nước ngọt rửa mặn, phóng phèn.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Theo dựbáo của Trung tâm Dựbáo khítượng thủyvăn Trung ương, vụ đông xuân 2015-2016 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, lượng mưa từ tháng 9/2015 đến tháng 2/2016 tại khu vực Trung Bộ có khả năng ở mức thấp hơn so với trung bình hàng năm khoảng 30 đến 50%. Mùa mưa ở các khu vực này có khả năng sẽ đến muộn và kết thúc sớm hơn so với trung bình hàng năm. Do đó, các địa phương, cơ quan có liên quan cần chủ động xây dựng phương án cụ thể để kịp thời ứng phó, hạn chế tối đa thiệt hại cây trồng. |
LÊ TRÂM