Phú Yên đang tập trung thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Để thực hiện thành công chủ trương lớn này cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao và nỗ lực to lớn của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nông dân và doanh nghiệp.
ĐẦU TƯ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: 5 năm qua, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp của Phú Yên không ngừng phát triển, với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 5,2%/năm. Năm 2010, giá trị sản phẩm từ trồng trọt đạt khoảng 37 triệu đồng/ha, nuôi trồng thủy sản đạt 223 triệu đồng/ha, thì đến năm 2015, giá trị sản phẩm từ trồng trọt tăng lên 72 triệu đồng/ha và nuôi trồng thủy sản tăng lên 640 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn từ 11,9 triệu đồng/người vào năm 2010 tăng lên khoảng 25 triệu đồng/người vào năm 2015, góp phần ổn định kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất cho người dân… Tuy nhiên, nền kinh tế nông nghiệp của Phú Yên vẫn còn một số hạn chế, giá trị gia tăng tổng sản phẩm bình quân đầu người hai năm qua đang có xu hướng chậm lại, cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp tuy chuyển dịch đúng hướng nhưng chưa hợp lý, giá trị sản xuất trong chăn nuôi còn thấp. Ngoài ra, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh phát triển chưa bền vững, ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất chưa hiệu quả, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh phát triển còn chậm, thiếu đồng bộ…
Theo UBND tỉnh, hoạt động tái cơ cấu ngành Nông nghiệp sẽ tập trung phát triển những giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có thị trường gắn với chế biến, tiêu thụ nhằm đạt hiệu quả cao, bền vững. Ông Nguyễn Phi Hổ, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, nói: Tỉnh cần đẩy mạnh hoạt động chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tổ chức lại sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Riêng mô hình nuôi tôm cao triều trên địa bàn huyện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị có thể gấp nhiều lần so với sản xuất lúa. Tuy nhiên, vùng nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch với khoảng 1.100ha đang gặp khó khăn vì dịch bệnh rất khó kiểm soát. Tỉnh nên đầu tư hệ thống thủy lợi ở vùng nuôi tôm này và có giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi.
Còn TX Sông Cầu, địa phương này đã xác định năm đối tượng nuôi chính gồm: tôm hùm, tôm thẻ chân trắng, ốc hương, cá mú và cá chẽm. Ông Lương Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết: “Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng phủ bạt đã mang lại hiệu quả cao, vì vậy chính quyền địa phương đang khuyến khích và nhân rộng mô hình này. Đối với tôm hùm, thị xã đã quy hoạch các vùng nuôi gắn với quản lý dựa vào cộng đồng, nhằm từng bước hạn chế ô nhiễm môi trường và kiểm soát dịch bệnh. Tỉnh và các ngành chức năng nên nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm, nhằm hạn chế tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ và hạn chế ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi”.
LIÊN KẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN
Theo TS Nguyễn Trọng Tùng, thời gian tới, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của tỉnh. Phú Yên sẽ tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để nông, ngư dân và các thành phần kinh tế làm ăn có hiệu quả. Mới đây, Sở NN-PTNT hai tỉnh Phú Yên và Lâm Đồng đã ký kết hợp tác và phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Mục đích nhằm tăng cường liên kết, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của nhau với định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Hai bên sẽ tạo điều kiện cho nhau về môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi nhất để nông, ngư dân, các thành phần kinh tế đầu tư liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Trong sản xuất nông nghiệp, hiện có nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh đã đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho nông dân Phú Yên, như: Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT (Quảng Ngãi), Công ty Giống cây trồng Quy Nhơn (Bình Định), Công ty cổ phần Kết nối sản xuất thương mại dịch vụ phân bón Rồng Vàng Đất Việt (TP Hồ Chí Minh), Công ty Dược Bình Thuận…
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Lâm Đồng hợp tác với Phú Yên nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Lâm Đồng cũng đề nghị Phú Yên tạo điều kiện để các thành phần kinh tế liên kết, hình thành những chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, trong đó tập trung các ngành hàng chủ lực như lúa gạo, rau, hoa quả, mía đường, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản… và đưa các sản phẩm này vào các chợ, siêu thị, nhà hàng… để tiêu thụ.
Đồng chí Lê Văn Trúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, cho biết: Phú Yên đang tập trung thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương, từng đối tượng cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích. Tập trung lựa chọn phát triển những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có thị trường gắn với chế biến, tiêu thụ để đạt hiệu quả cao. Mỗi đề án cụ thể cho từng sản phẩm được làm rõ các nhóm giải pháp, trong đó chú trọng đến việc chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Phú Yên đang tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết theo chuỗi giá trị, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết với nông dân. Một số dự án đang kêu gọi vốn đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 như đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng nhà máy chế biến gạo xuất khẩu; xây dựng các nhà máy, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm quy mô công nghiệp; xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn tổng hợp cho gia súc gia cầm; xây dựng cảng cá ngừ chuyên dụng và chợ đấu giá cá ngừ của tỉnh; đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá; đầu tư phát triển vùng sản xuất muối tập trung…
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát
Thực hiện tốt tái cơ cấu là cách duy nhất để khắc phục cơ bản những tồn tại, tạo điều kiện cho nông nghiệp chuyển sang giai đoạn phát triển mới, đạt kết quả cao hơn. Để thực hiện thành công chủ trương lớn này cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao và nỗ lực to lớn của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể cùng với nông dân và các doanh nghiệp. |
ANH NGỌC