Rất nhiều nông dân vùng ven đô thị phường 9 (TP Tuy Hòa) đã bán đất vườn cho nhu cầu xây cất nhà ở. Thế nhưng, nhiều người không thể bỏ nghề nông. Hội Nông dân phường 9 đang cùng bà con “xoay trở” trên diện tích sản xuất ít oi còn lại.
ĐỐI MẶT VỚI THỬ THÁCH
Theo ông Nguyễn Đồng Ghi, Chủ tịch Hội Nông dân phường 9, chỉ trong khoảng 5 năm qua, đô thị hóa đã làm địa bàn phường bị mất khoảng 100ha đất vườn, ruộng. “Nào là các dự án thu hồi đất, nào là người dân bán đất vườn, đất thổ cư của gia đình. Có người bán đến không còn nơi đặt chuồng bò, phải đi thuê đất sản xuất. Nhiều người đánh liều xâm canh trên các vùng đất dự án treo. Nhiều nông dân chuyển sang đi làm thợ hồ, làm thuê nhưng nhiều người vẫn không thể bỏ được nghề nông”, ông Ghi phân tích.
Ngoài việc làm 2 vụ lúa, gần 2.000 hộ nông dân của phường này còn có nghề truyền thống là trồng rau, hoa, cây cảnh, chăn nuôi. Với diện tích hạn hẹp còn lại, bài toán đặt ra là phải nâng cao định suất thu nhập trên mỗi mét vuông đất. Ví như trước đây, người dân phường 9 chủ yếu trồng các loại hoa cúc, mai, thược dược… trong chậu lớn. Thế nhưng việc sản xuất ồ ạt mỗi dịp tết đã làm mặt hàng này luôn ứ đọng. Các chi hội nông dân địa phương đã từng bước bàn bạc, vận động bà con chuyển đổi, thay dần các giống hoa mới, hoa chậu mi ni để dễ thâm nhập thị trường.
Ông Bùi Đá, Chi hội trưởng Nông dân khu phố Ninh Tịnh 2 (phường 9), cho hay, áp lực thị trường đã “phân hóa” tay nghề nhiều người trồng hoa kiểng. Đa số những nông dân bán dần đất vườn là những người ít chịu học hỏi, nâng cao kỹ thuật làm kiểng. Trong khi đó, những người có chuyên môn giỏi thì mua thêm, tích tụ đất để lập trang trại bài bản. Đây chính là những nhân tố để chi hội vận động truyền bá kinh nghiệm cho hội viên nghề trồng hoa kiểng.
Một áp lực nữa của sản xuất nông nghiệp ở phường 9 là thói quen sử dụng thuốc trừ sâu tràn lan. Bên cạnh tham gia tổ chức các lớp sản xuất “sạch”, Hội Nông dân phường 9 đã kêu gọi từng cán bộ hội phải đi đầu trong việc sản xuất rau, hoa an toàn tại vườn nhà. Đó là tăng cường sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, mô hình sản xuất IPM không sử dụng thuốc trừ sâu. Các hộ chăn nuôi trong khu dân cư phải cam kết áp dụng mô hình xử lý chất thải khép kín, giảm thiểu gây ô nhiễm khu dân cư. Theo ông Ghi, chính áp lực về môi trường cũng giúp người dân nhận thức rõ hơn về việc tăng cường thâm canh sản phẩm sạch, tìm những giống cây con hiệu quả nhất để sản xuất đáp ứng thị trường.
Mặc dù có “hơi chậm” nhưng một số chi hội nông dân tại phường 9 hiện đã xúc tiến lập các trang mạng để tăng cường giới thiệu sản phẩm, giao dịch buôn bán nông sản.
CHĂM LO HỘI VIÊN
Theo ông Huỳnh Khắc Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân TP Tuy Hòa, mô hình “mỗi chi hội trưởng giúp một hộ nghèo” của Hội Nông dân phường 9 đem lại hiệu quả rõ nét, đang được nhân rộng ra nhiều cơ sở hội. Qua hơn 2 năm triển khai, 12 chi hội trưởng của Hội Nông dân phường 9 đều đã “xắn tay áo” giúp đỡ hộ nghèo tại địa bàn. Hơn một năm qua, ông Nguyễn Ơ, Chi hội trưởng Nông dân khu phố Ninh Tịnh 6, đã tận tình “kèm cặp” làm ăn cho hộ ông Nguyễn Văn Dinh. Từ chỗ “có sao làm vậy”, ông Ơ đã được hướng dẫn cách vay vốn và triển khai làm ăn. Từ việc chỉ trồng một ít hoa mùa tết, hiện gia đình ông Dinh đã tậu được một con bò kéo cộ để vận chuyển thuê cho người dân trong vùng, nhờ đó đời sống kinh tế gia đình khá giả hơn.
Hiện tại, Hội Nông dân phường 9 đang đứng ra vận động thành lập hợp tác xã cây hoa kiểng tại địa bàn. Trước mắt, hợp tác xã sẽ làm đầu mối cung ứng vật tư, tư vấn kỹ thuật và tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm nghề cây kiểng. Một số hội viên nông dân khó khăn cũng sẽ được ưu tiên bố trí công ăn việc làm tại hợp tác xã này. “Muốn làm giàu, bây giờ, nông dân vùng ven đô thị phải biết lắng nghe nhu cầu thị trường. Bởi nông sản hàng hóa mà làm theo phong trào thì rất dễ bị thất thu”, ông Nguyễn Đồng Ghi nói.
ĐỨC TUẤN