Hiện nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh bị xuống cấp cần được sửa chữa, nâng cấp. Trước thực trạng này, UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí để tỉnh sửa chữa các hồ.
Hồ chứa nước Đồng Tròn (huyện Tuy An) nhiều hạng mục bị xuống cấp, cần được sửa chữa - Ảnh: P.NAM |
NHIỀU HỒ BỊ HƯ HỎNG, XUỐNG CẤP
Trên địa bàn tỉnh hiện có 41 hồ chứa nước thủy lợi, phần lớn được xây dựng sau năm 1980. Qua nhiều năm vận hành, khai thác, lũ lụt, một số hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng, làm giảm dung tích tích trữ nước. Theo Sở NN-PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 20 hồ thủy lợi cần sửa chữa, nạo vét, nâng cấp. Điển hình trong số đó có hồ Phú Xuân (huyện Đồng Xuân). Hiện lòng hồ bị bồi lắng, mái thượng và hạ lưu đập đất bị xuống cấp, vai hữu tràn xả lũ bị rò rỉ. Hay như hồ chứa nước Đồng Tròn (huyện Tuy An), vai hữu tràn xả lũ cũng bị rò rỉ, thấm lậu, chưa có đường cứu hộ khi xảy ra lũ lụt. Còn hồ chứa nước Đồng Khôn (huyện Đông Hòa) thì xảy ra tình trạng thấm nước chảy qua tường bên hữu tràn xả lũ mấy năm nay, làm cho nước tràn trên mái hạ lưu đập đất… Ngoài ra, một số hồ chứa nước không có cống lấy nước, tràn trên nền đất, đá tự nhiên như Sơn Tây Thượng, Sơn Tây Hạ, Trường Lạc, Lạc Phong (huyện Tây Hòa), Tân Lương (huyện Sơn Hòa)…
Trước thực trạng này, mới đây, các sở NN-PTNT, Xây dựng và Công thương tiến hành kiểm tra, cho thấy có 16 hồ thiếu chức năng xả lũ; 13 hồ bị rò rỉ nước, thấm qua vai và tường tràn xả lũ; 10 hồ cần sửa chữa, nâng cấp tràn xả lũ; 8 hồ khác do bê tông hoặc kết cấu xây đã bị mục nên hư hỏng cống lấy nước. Ông Huỳnh Lữ Tân, Phó giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Năng lực của các chủ hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh còn yếu, thiếu nguồn lực, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý, kiểm tra, quan trắc, kiểm định đập chưa được các chủ hồ thực hiện nghiêm túc. Qua kiểm tra, có 37 hồ thủy lợi không lắp thiết bị quan trắc, các hồ lớn như Phú Xuân, Đồng Tròn có lắp đặt thiết bị đo mưa và quan trắc nhưng đã hư hỏng. Trong khi đó, các hồ La Bách, Buôn Đức (huyện Sông Hinh), Kỳ Châu (huyện Đồng Xuân) và Xuân Bình (TX Sông Cầu) dù mới xây dựng nhưng cũng chỉ bố trí thiết bị đo thấm và hệ thống thông tin liên lạc, mà chưa lắp đặt thiết bị giám sát, đo đạc các số liệu khí tượng, thủy văn… Qua kiểm tra, chỉ có tám hồ vận hành bình thường, các hồ còn lại chưa đủ điều kiện để đánh giá.
CẦN ĐẢM BẢO AN TOÀN TRONG MÙA MƯA LŨ
Theo UBND tỉnh, để đảm bảo an toàn các hồ chứa nước thủy lợi trong mùa mưa lũ, cần phải đầu tư sửa chữa, nạo vét, nâng cấp các hồ bị hư hỏng, xuống cấp. Tuy nhiên, nguồn ngân sách của tỉnh còn khó khăn nên tỉnh đã kiến nghị các bộ ngành Trung ương và Chính phủ xem xét hỗ trợ khoảng 125 tỉ đồng để khắc phục hơn 20 hồ. Ông Huỳnh Lữ Tân cho biết: Trung ương cần xem xét cho tỉnh sử dụng kinh phí hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn đầu mối hồ chứa nước để xây dựng phương án chống lũ lụt và lập bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du. Ngoài ra, tỉnh cũng cần đề nghị Trung ương tổ chức các khóa đào tạo, đào tạo lại cho cán bộ làm công tác quản lý các hồ chứa nước; nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ thủy nông viên cơ sở nhằm vận hành đúng kỹ thuật, tiết kiệm nước, mang lại hiệu quả.
UBND tỉnh đã đề xuất với các bộ ngành Trung ương và Chính phủ tiếp tục bố trí kinh phí để thực hiện sửa chữa, nâng cao an toàn đập bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Theo ông Lê Chí Trọng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, trước mắt, để chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2015 trên địa bàn tỉnh. Nội dung là tăng cường công tác quản lý đảm bảo an toàn hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh; kiểm tra việc vận hành điều tiết các hồ chứa trên địa bàn theo quy trình đã được phê duyệt; tổ chức kiểm tra, kiểm định, đánh giá mức độ an toàn của các hồ theo quy định. “Đối với các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn thì phải xây dựng phương án tích nước hợp lý hoặc hạn chế tích nước, đồng thời chủ động bố trí kinh phí sửa chữa nhằm bảo đảm an toàn công trình và dân cư vùng hạ du. Chủ các hồ chứa thủy điện, thủy lợi tổ chức kiểm tra, vận hành thử các cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ, bố trí thiết bị dự phòng, đảm bảo công trình xả lũ vận hành bình thường trong mọi điều kiện. Đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án tu bổ, sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi và phải hoàn thành trước mùa mưa, riêng các hồ chứa nước đang thi công phải đảm bảo tiến độ vượt lũ…”, ông Trọng nói.
ANH NGỌC