Thứ Năm, 31/10/2024 18:24 CH
Tiêu thụ nông sản tại các hợp tác xã:
Những dấu hiệu khả quan
Thứ Ba, 20/10/2015 10:35 SA

Liên kết làm mô hình, các HTX có cơ hội tiêu thụ lúa giống. Trong ảnh: Ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, kiểm tra chất lượng lúa giống tại HTX Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) - Ảnh: M.DUYÊN

Tuy chưa hết khó khăn nhưng thời gian qua, việc tiêu thụ nông sản tại các HTX đã hình thành được hướng đi cụ thể. Các HTX duy trì được những hợp đồng cung cấp sản phẩm và vươn lên chủ động thích ứng với nhu cầu thị trường, tạo được chỗ đứng riêng.

 

KHỞI ĐẦU TỪ CÁC MÔ HÌNH

 

Từ trình diễn mô hình sản xuất, các HTX đã liên kết được với các doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đây chính là những đơn đặt hàng đầu tiên mà các HTX thực hiện. Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam An Nghiệp (huyện Tuy An), cho biết: Từ năm 2010, sau khi thực hiện mô hình sản xuất lúa giống thành công, HTX đã có được hợp đồng tiêu thụ lúa giống đầu tiên với Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT (tỉnh Quảng Ngãi). Công ty thu mua dưới hình thức bao tiêu toàn bộ sản lượng trên diện tích 30ha đất sản xuất. Từ hợp đồng này, 5 năm qua, mỗi năm, HTX tiêu thụ được hơn 300 tấn lúa giống.

 

Còn ông Nguyễn Hoàng Phố, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Ninh Tây (huyện Tuy An), cho biết: HTX liên kết với Công ty Giống cây trồng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) thực hiện mô hình sản xuất lúa giống. Từ đó, công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX, với mức tiêu thụ hàng năm 100 tấn lúa giống.

 

Tại HTX Nông nghiệp Kinh doanh dịch vụ Phú Lâm (TP Tuy Hòa), năm 2013 nhờ liên kết với Công ty Dược Bình Thuận làm mô hình 5ha, trồng cây diệp hạ châu. Thành viên HTX được công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch với giá từ 3.000 đồng/kg đến 4.000 đồng/kg (diệp hạ châu tươi). Doanh thu từ trồng dược liệu cao hơn trồng lúa 40%.

 

Trong năm nay, Liên minh HTX tỉnh cũng đã vào cuộc khi liên kết với Công ty cổ phần Kết nối sản xuất thương mại dịch vụ phân bón Rồng vàng đất Việt (TP Hồ Chí Minh), làm mô hình tại 5 HTX nông nghiệp trong tỉnh. Với hình thức các HTX sử dụng phân bón của công ty trên đồng ruộng thì toàn bộ nông sản sau thu hoạch như rau Bình Ngọc, lúa giống và tiêu Sơn Thành… đều được công ty cam kết thu mua giá cao hơn 1.000 đồng/kg so với thị trường ngoài.

 

TỰ TIÊU THỤ TRÊN THỊ TRƯỜNG

 

Vẫn làm mô hình nhưng không phải để cam kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nhiều HTX khi liên kết với các công ty giống, phân bón chỉ để có nguồn hàng tốt, sản xuất ra nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông Võ Ngọc Ân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa), cho biết: Nghiên cứu thị trường, Hội đồng quản trị HTX nhận thấy lúa giống không còn là sản phẩm dễ tiêu thụ nên HTX đã chuyển đầu tư sang cây bắp. Bắp sau thu hoạch là nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến làm thức ăn chăn nuôi đang được thị trường rất cần. Trong 3 năm qua, toàn bộ sản lượng bắp sau thu hoạch, không cần phải đi chào hàng, HTX chỉ cần gọi là các đại lý thu mua lập tức tới cân, chở đi và thanh toán nhanh gọn. Mục đích của HTX hiện nay là tìm được các loại giống tốt cho sản lượng cao nên hợp tác với chính công ty giống là cách an toàn. Vụ hè thu, HTX đã phối hợp với Công ty TNHH Giống cây trồng miền Nam thực hiện mô hình 0,2ha thực nghiệm giống bắp lai SK100. Giống bắp này cho năng suất 70 tạ/ha, cao hơn các giống bắp khác bình quân 7 tạ/ha, cho giá trị kinh tế 18 triệu đồng/ha, cao hơn 3,4 triệu đồng/ha so với giống khác.

 

Cũng liên kết với Công ty TNHH Giống cây trồng miền Nam, HTX Dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) Đông Hòa An (huyện Phú Hòa) đã tìm được nguồn giống đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của đơn vị. Theo ông Lê Văn Tiến, Phó giám đốc HTX DVNN Đông Hòa An, việc tiêu thụ bắp nếp cho nhu cầu bán lẻ trong huyện và tỉnh đang rất lớn; để nâng cao chất lượng hạt bắp, HTX đã liên kết với Công ty TNHH Giống cây trồng miền Nam trình diễn mô hình bắp nếp lai MAX88. Giống bắp này có ưu điểm hạt tròn đều, có thể kháng được bệnh rỉ sắt nên sau khi luộc thì hạt dẻo, hình thức bắt mắt. Giống này cũng cho năng suất cao khi cây cho hai trái, nhiều hơn một trái so với giống thông thường. Giá trị kinh tế giống bắp trên mang lại cao hơn các giống bắp khác từ 100.000 đến 200.000 đồng/sào.

 

Ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Không có cửa hàng giới thiệu sản phẩm, không có công nghệ sản xuất chế biến hiện đại khiến cho sản phẩm nông sản của các HTX suốt thời gian dài khó tiếp cận thị trường. Trong khi bài toán về vốn vẫn chưa có lời giải nhưng bằng cách riêng của mình, các HTX đã tự tìm đường tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con. Con đường đó bắt đầu từ liên kết làm mô hình theo hình thức hai bên cùng có lợi. Khi ấy, sản phẩm của HTX được thu mua thông qua hợp đồng cam kết. Tuy hình thức này có mang lại doanh thu nhưng lợi nhuận không lớn. HTX cũng ở thế bị động chứ chưa chủ động tham gia thị trường. Số ít HTX nhờ nắm bắt được nhu cầu thị trường đã liên kết để tìm nguồn hàng phù hợp với yêu cầu, phục vụ tốt khâu tiêu thụ.

 

Dù còn nhỏ lẻ nhưng việc sản phẩm của HTX được thu mua thông qua hợp đồng cam kết là những bước đi ban đầu, đánh dấu khả năng tự lực vươn lên, tìm cách hòa nhập vào nền kinh tế thị trường của các đơn vị kinh tế tập thể.

 

Chủ tịch Liên minh HTX Lê Luân

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek