Phú Yên đang tập trung thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây là những đột phá mới trong việc thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, xung quanh vấn đề này.
TS Nguyễn Trọng Tùng - Ảnh: N.CHUNG |
* 5 năm qua, việc thực hiện mục tiêu phát triển hiệu quả, bền vững trong nông nghiệp, nông thôn ở Phú Yên đã đạt được kết quả gì, thưa ông?
- Trong 5 năm qua, sản xuất nông lâm thủy sản (NLTS) ở Phú Yên không ngừng phát triển, góp phần ổn định nền kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Tổng sản phẩm NLTS chiếm 20,9% trong tổng cơ cấu kinh tế của tỉnh, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 bình quân 5,2%/năm. Nếu năm 2010, giá trị sản phẩm thu được về trồng trọt khoảng 37 triệu đồng/ha và nuôi trồng thủy sản là 223 triệu đồng/ha, thì đến năm 2015 trồng trọt tăng lên 72 triệu đồng/ha và nuôi trồng thủy sản tăng lên 640 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn từ 11,9 triệu đồng/ người/năm 2010 tăng lên khoảng 25 triệu đồng/người/năm 2015.
Sản lượng lương thực (có hạt) hàng năm đạt 37,8 vạn tấn, diện tích lúa hai vụ phát triển ổn định khoảng 25.000ha/vụ, một số cây trồng chủ lực như mía, sắn, cao su, hồ tiêu… phát triển khá tập trung. Khai thác và nuôi trồng thủy sản phát triển khá nhanh, năm 2015 sản lượng thủy sản đạt khoảng 63.000 tấn (tăng hơn 11.000 tấn so với năm 2010), trong đó sản lượng nuôi trồng đạt hơn 9.500 tấn, cá ngừ đại dương khoảng 4.500-5.000 tấn, tôm hùm 650 tấn… Nhiều công trình hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn đã đưa vào sử dụng có hiệu quả, tạo điều kiện mở rộng phát triển sản xuất, cải thiện bộ mặt nông thôn. Về xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh đã công nhận 2 xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) và Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa) đạt chuẩn, dự kiến đến cuối năm 2015, Phú Yên có khoảng 20/88 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
* Để đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Phú Yên có những định hướng đột phá nào?
- Ngành NN-PTNT Phú Yên đang tập trung thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó tập trung thực hiện kế hoạch tái cơ cấu từng lĩnh vực cụ thể. Các nhóm giải pháp sẽ thực hiện như chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến; tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết theo chuỗi; thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư, nhất là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gắn với liên kết với người nông dân; phân bổ có trọng điểm đầu tư công, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; đào tạo nghề cho nông ngư dân… Trong đầu tư có sự phối hợp tham gia giữa Nhà nước và tư nhân, trong đó ưu tiên các dự án sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn.
Đồng thời ngành Nông nghiệp của tỉnh cũng tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; lựa chọn phát triển những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có thị trường gắn với chế biến, tiêu thụ để có giá trị gia tăng, hiệu quả cao, bền vững.
Nông dân huyện Đồng Xuân thu hoạch dưa hấu - Ảnh: N.CHUNG |
* Trong dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), ông có góp ý gì đối với nhiệm vụ phát triển ngành Nông nghiệp?
- Ngành NN-PTNT Phú Yên thống nhất cao với các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng bộ tỉnh. Với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự chỉ đạo của tỉnh, tôi tin tưởng rằng việc thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Phú Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ thành công.
* Xin cảm ơn ông!
Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành Nông nghiệp Phú Yên là phấn đấu đến năm 2020 đạt được: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm NLTS từ 3 đến 3,5%/năm, cơ cấu ngành NLTS trong GRDP của tỉnh chiếm khoảng 11%. Tiếp tục duy trì tăng trưởng theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng thông qua tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Giá trị sản phẩm thu được trên đơn vị diện tích đất trồng trọt đạt 110 triệu đồng/ha/năm (tăng 1,5 lần so với năm 2015); giá trị sản phẩm thu được trên đơn vị mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 1 tỉ đồng/ha/ năm (tăng 1,56 lần so với năm 2015). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn khoảng 45 triệu đồng/người/năm, gấp 1,8 lần so với năm 2015. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh cơ bản đạt 100%, tỉ lệ che phủ rừng đạt khoảng 45%.
TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT |
NGỌC CHUNG (thực hiện)