Trong hai ngày 2-3/7 tại TP.HCM, Văn phòng Quốc hội tổ chức hội thảo về bổ sung dự luật Thuế thu nhập cá nhân. Phần đông các ý kiến cho rằng, cần phải tạo điều kiện để mọi người dân đều nộp thuế, một quyền thiêng liêng của công dân. Tuy nhiên khó khăn nhất là phương pháp tính mức thu.
Tại Hội thảo, có nhiều ý kiến khác nhau về mức khởi điểm thu nhập chịu thuế. Ảnh: VNN |
Có nhiều giải pháp, phương pháp, phép tính đưa ra. Có đề xuất hạ ngưỡng khởi điểm thu nhập chịu thuế xuống dưới 4 triệu đồng. Có ý kiến như của tiến sĩ Đinh Dũng Sỹ là đóng thuế ngay từ đồng thu nhập đầu tiên.
Khởi điểm 4 triệu: Công chức sẽ đứng ngoài cuộc?
Theo các đại biểu, nộp thuế là quyền của mỗi công dân. Vì vậy, mỗi người dân đều có quyền được nộp thuế. Tuy nhiên thu nhập của người dân có mức chênh lệch lớn nên việc xác định mức thu nhập chịu thuế là quan trọng.
Với quan điểm này, tiến sĩ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, và giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng xác định mức thu nhập chịu thuế khởi điểm 4 triệu như dự thảo đưa ra là chấp nhận được. Một số ý kiến khác như tiến sĩ Nguyễn Quang A, luật sư Lê Nết, tiến sĩ Nguyễn Đăng Dung (ĐHQG Hà Nội) cho rằng mức này còn khá cao, cần phải thấp hơn để nhiều người được tham gia nộp thuế.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Dung nói: “Với mức khởi điểm này, sẽ có một lực lượng lớn không nộp thuế thu nhập, đó là cán bộ công chức”. Ông cho rằng, với mức lương hiện nay, không có cán bộ công chức nào nộp thuế. “Bộ trưởng cũng không có mức lương 4 triệu” - ông Dung nói. “Ta làm luật cho dân nộp thuế, nhưng cán bộ công chức thì miễn, vậy công bằng chỗ nào, và người dân nghĩ gì?”.
Trao đổi với phóng viên trong giờ giải lao, giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, tổng thu nhập của cán bộ công chức sẽ đạt đến 4 triệu, chứ không chỉ xem xét mức lương.
Tuy nhiên theo tiến sĩ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP. HCM, với nền kinh tế “tiền mặt” hiện tại ở nước ta, khó có công cụ giám sát nguồn thu, nên sẽ không có cơ sở đầy đủ để xác định tổng thu nhập. “Nhiều khoản ẩn sâu trong nền kinh tế tiền mặt, nên rất khó thu thuế, rất khó có sự công bằng, và khó thành công”, tiến sĩ Trần Du Lịch nói.
Đóng thuế từ đồng thu nhập đầu tiên?
Các đại biểu Nguyễn Cửu Việt (giảng viên Đại học Luật TP.HCM), tiến sĩ Đinh Dũng Sỹ (Phó Vụ trưởng, Ban Xây dựng pháp luật Văn phòng Chính phủ), và tiến sĩ Nguyễn Đăng Dung đưa ra quan điểm “có thu nhập là nộp thuế”.
“Với mức khởi điểm thu nhập chịu thuế 4 triệu, tính công bằng ở chỗ nào?” đó là câu hỏi của ông Dũng.
Theo quan điểm của tiến sĩ Dũng, nói công bằng trong nộp thuế, và đảm bảo quyền lợi và nghĩ vụ công dân, và gọi là Thuế thu nhập cá nhân, thì mọi người dân và mọi khoản thu nhập và đều phải nộp. Vấn đề là phương pháp tính như thế nào để người có thu nhập thấp vẫn có thể nộp thuế được, vẫn thấy nhẹ nhàng, không ảnh hưởng tới đời sống.
Theo tiến sĩ Dũng, có 2 cách thu thuế, là đánh vào lần thu nhập đầu tiên, và thứ 2 là xác định ngưỡng. Dự thảo thuế TNCN đưa ra mức khởi điểm thu nhập chịu thuế là 4 triệu đồng, đã tương tự xác định ngưỡng, và không khác mấy với Pháp lệnh Thuế thu nhập cao. “Ta bị luẩn quẩn ở chỗ, phê phán thuế thu nhập cao, nhưng lại giẫm chân vào nó”, ông nói.
Dựa trên quan điểm này, tiến sĩ Dũng đề xuất hai biểu thuế, trong đó biểu thứ hai xác định mức tỷ lệ nộp thuế từ mức thu nhập đồng đầu tiên đến 5 triệu là 1%. “Với mức này, ai cũng nộp thuế được, mà không bị ảnh hưởng đến đời sống”.
Tuy nhiên có quan điểm cho rằng, việc thu như vậy rất phức tạp, khi mấy chục triệu người dân đều phải nộp thuế, nhưng hiệu quả không cao. Một trong những nguyên tắc của thuế là khoản thu phải cao hơn khoản chi phí để đi thu, nhưng phương pháp trên e rằng không đảm bảo nguyên tắc này.
Có ý kiến cho rằng, người nghèo, người thu nhập thấp đã quá khó khăn, mà vẫn thu thuế là bất ổn và về mặt kinh tế là không hiệu quả.
Thuế thu nhập từ mua bán chứng khoán: chỉ nên 15%
Hầu hết các đại biểu đều cho rằng tỷ lệ nộp thuế của kinh doanh chứng khoán 25% là quá cao.
“Người ta chỉ tranh thủ kiếm lời cao trong thời gian ngắn này, khi các quy định về lĩnh vực chứng khoán còn chưa đầy đủ. Sau này không còn siêu lợi nhuận nữa. Nên tỷ lệ thu 25% là cao lắm”, tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định. Theo ông, tỷ lệ nộp thuế 15% là phù hợp.
Theo điều 21 của dự thảo, thu nhập từ chuyển nhượng vốn là 25%. Cách giải thích của ban soạn thảo là phù hợp với Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo ý kiến ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), bản dự thảo chưa đưa ra các khái niệm đầy đủ về các loại chứng khoán, nên phương pháp xác định thuế cũng không hợp lý. Đồng thời, các phương pháp tính đề ra cũng không xác định được đầy đủ chi phí mua bán chứng khoán. “Trên thực tế hiện nay ta chỉ xác định được chính xác giá mua, giá bán của những loại chứng khoán niêm yết, và nếu chỉ căn cứ vào giá mua, giá bán, mà coi các chi phí khác bằng 0, thì trên thực tế người đầu tư chứng khoán có thể sẽ phải chịu thuế suất từ chênh lệch chứng khoán từ 40% đến 100%, hoặc thậm chí còn cao hơn nhiều”.
Cũng theo ông Hải, chính vì không thể xác định được các chi phí mua bán chứng khoán, nên thông lệ phổ biến của quốc tế chỉ tính thuế dựa trên khoản chênh lệch về giá mua, giá bán chứng khoán, với thuế suất thường chỉ từ 5% đến 10%, bao giờ cũng nhỏ hơn rất nhiều so với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đa số các ý kiến trong hội thảo cũng đồng ý và đề nghị mức này.
Theo VNN