Nhờ được hỗ trợ bò, cây giống, máy móc nông cụ… nên nhiều hộ nghèo ở khu vực miền núi có cơ hội phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Sở TN-MT phối hợp với Sở NN-PTNT và Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam trình diễn mô hình thâm canh cây mía thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào miền núi Sơn Hòa - Ảnh: M.DUYÊN |
HƯỚNG VỀ MIỀN NÚI
Ông Phan Hữu Đại, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Hỗ trợ sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất lớn trong thúc đẩy sản xuất nông lâm nghiệp miền núi. Các hộ đồng bào không chỉ được cung cấp nguyên liệu, công cụ phục vụ sản xuất, mà còn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, được tiếp cận với các loại giống mới cho năng suất, chất lượng cao. Từ đó, bà con từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi dần phương thức canh tác cũ, tạo ra sự thống nhất trong phát triển sản xuất giữa các vùng, các địa phương trong tỉnh. |
Theo Ban Dân tộc tỉnh, sản xuất nông, lâm nghiệp đang tạo ra thu nhập chính cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Đầu tư cho sản xuất là con đường ngắn nhất giúp xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho khu vực miền núi. Vì vậy, từ các chương trình như định canh định cư, 135, giảm nghèo bền vững… đến các mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”… đều hướng tới hỗ trợ trực tiếp cây, con giống, máy móc nông cụ…, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số lao động sản xuất.
Trong năm qua, Chương trình 135 đã đầu tư gần 18 tỉ đồng mua máy móc, cây, con giống… cho gần 6.000 lượt hộ vùng miền núi. Các hộ này được cung cấp 66 máy nông cụ, 149,6 tấn phân bón các loại, gần 7 tấn lúa giống, hơn 10 tấn bắp lai giống, gần 217 tấn mía giống cao sản, hơn 5.000 cây ăn quả, hơn 649.000 cây giống lâm nghiệp, 360 con bò giống và 80 con heo giống. Trong quá trình thực hiện 9 dự án Định canh định cư tại ba huyện miền núi, bên cạnh đầu tư điện, đường, trường, trạm, nhà ở cho 700 hộ đồng bào ổn định chỗ ở, chương trình còn hỗ trợ sản xuất cho các hộ dân yên tâm an cư lạc nghiệp.
Nhờ mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”, 19 xã miền núi đặc biệt khó khăn trong tỉnh đã được hỗ trợ về nhiều mặt, trong đó hỗ trợ sản xuất như tặng bò, cho vay vốn, xây dựng mô hình sản xuất theo nhu cầu của các hộ, địa phương. Ông Nguyễn Như Thức, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết: Cây mía và con bò lai là nền tảng xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Sơn Hòa. Khi nhận giúp đỡ xã nghèo Sơn Phước, đơn vị đã hỗ trợ 5 con bò cái giống trị giá 75 triệu đồng cho 5 hộ nghèo; tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi bò lai thâm canh cho 50 hộ và xây dựng mô hình thâm canh cây mía để các hộ tiếp cận với phương thức canh tác mới, kết hợp với cơ giới hóa trong sản xuất nhằm tăng năng suất và chất lượng nông sản.
Từ khi được hỗ trợ, Y Lá ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) có cơ hội vươn lên thoát nghèo - Ảnh: M.DUYÊN |
HIỆU QUẢ THIẾT THỰC
Chính từ các chương trình này, tập quán sản xuất không ổn định của đồng bào dân tộc thiểu số dần xóa bỏ. Cây lúa nước, giống lúa lai đã thay thế lúa rẫy, diện tích mía và số lượng bò lai tăng nhanh hàng năm. Đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ có đủ lương thực tại chỗ mà còn đẩy mạnh phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Ông Y Lá ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), cho biết: Ngày trước, nhà tôi nghèo lắm, phải đi làm thuê, kiếm cơm từng bữa. Từ khi được hỗ trợ bò, được hướng dẫn sản xuất, tôi đã phát quang khu đất quanh nhà trồng mía, nuôi bò. Lấy bò làm sức kéo, xới đất trồng mía. Giờ tôi đã có gần 1ha đất trồng mía, bò cũng đã sinh sản. Tôi thoát nghèo rồi.
Theo ông Phạm Đình Phụng, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, hiện diện tích mía của huyện gần 13.000ha, chiếm gần 47% tổng diện tích gieo trồng, tăng 2% so với năm 2014. Năng suất bình quân gần 63 tấn/ha, cao hơn 12 tấn/ha so với năm 2009. Hàng năm, từ cây mía, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập từ 100 triệu đồng đến gần 1 tỉ đồng. Về con bò lai, hơn 10 năm trước, từ 50 con bò lai ban đầu đưa về vùng đồng bào làm cơ sở để phát triển đàn bò lai trên địa bàn huyện, đến nay có hơn 13.000 con, chiếm tỉ lệ 65% tổng đàn. Cây mía và con bò lai đang góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo hàng năm của huyện trên 2%.
Trong trồng trọt, từ sự hỗ trợ giống cây nông, lâm nghiệp hàng năm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tập trung phát triển sản xuất, thu được những kết quả khả quan. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho hay: Từ năm 2008, thói quen trồng lúa rẫy vẫn ăn sâu vào tập quán canh tác của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Diện tích đất trồng lúa lúc đó là 1.000ha lúa rẫy và 1.100ha lúa nước. Đến năm 2013, diện tích lúa rẫy giảm và lúa nước tăng lên 1.650ha. Đến nay, toàn huyện có hơn 3.500ha lúa, chiếm trên 95% diện tích trồng lúa của huyện. Cây lúa nước cho năng suất ổn định 50 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa rẫy 4 lần. Để tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng lúa, giống lúa lai được khuyến khích đưa vào sản xuất thông qua các kênh hỗ trợ. Hiện lúa lai cho năng suất bình quân 70 tạ/ha. Năng suất tăng, hộ nghèo đồng bào vừa có đủ lương thực vừa tạo ra thu nhập, ổn định cuộc sống.
MINH DUYÊN