Hai năm trở lại đây, nắng hạn diễn ra gay gắt trên phạm vi toàn tỉnh. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương vận động nông dân chuyển đổi những diện tích cây trồng sử dụng nhiều nước sang các loại cây trồng cạn, đặc biệt là lúa một vụ, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trước đây, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa, có khoảng 40ha đất trồng lúa, chủ yếu là lúa một vụ thường xuyên thiếu nước trong mùa khô hạn, hiệu quả kinh tế thấp. Từ chủ trương chuyển đổi cây trồng, đến thời điểm này, người dân xã Hòa Định Tây đã chủ động chuyển khoảng 30ha đất lúa một vụ sang trồng dưa hấu lai từ giống truyền thống, khổ qua và một số cây trồng khác. Theo tính toán của người dân, trên cùng một diện tích, trồng dưa hấu và khổ qua thu lãi gấp 2 đến 3 lần trồng lúa một vụ, trong khi đó, vốn và công chăm sóc lại ít và đơn giản hơn.
Vườn dưa hấu của gia đình ông Hồ Văn Tài ở thôn Phú Sen Tây, có diện tích 5 sào (2.500m2) đang chuẩn bị cho thu hoạch. Đây là vụ thứ hai, ông Tài trồng loại dưa này thay cho cây lúa một vụ. Ông Tài cho hay: “Một vụ lúa, tôi trồng được hai vụ dưa hấu. Với giá dưa 4.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí, lãi từ 5 đến 6 triệu đồng/sào”. Cũng theo ông Tài, ước cả xã Hòa Định Tây có khoảng 60 hộ trồng dưa hấu, riêng thôn Phú Sen Tây có hơn 20 hộ, mỗi hộ ít nhất 5 sào. Người dân đang tiếp tục chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả còn lại sang trồng các loại cây khác, rủi ro thấp, thu nhập cao.
Tương tự, vườn dưa vừa thu hoạch của ông Võ An cũng ở thôn Phú Sen Tây có diện tích 3 sào cho lãi gần 20 triệu đồng. Còn đối với cây khổ qua, mấy năm gần đây, giá dao động từ 6.000 đến 9.000 đồng/kg, nông dân thu lãi không chỉ gấp hai mà thậm chí còn gấp ba lần trồng lúa. “Ruộng ở khu vực này nguồn nước rất bấp bênh, trồng lúa năm được năm mất, không hiệu quả vì một sào cho năng suất khoảng 250kg, bán với giá 4.000 đồng/kg, chỉ thu được hơn 1 triệu đồng”, ông An nói.
Trong khi ở các huyện đồng bằng, đa phần nông dân chuyển đổi đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng dưa hấu và khổ qua, thì ở các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, người dân chủ yếu trồng bắp lai, nguồn giống do Chính phủ và UBND tỉnh hỗ trợ. Đối với huyện Sơn Hòa, trước đây, mỗi năm người dân trồng khoảng 900ha lúa nước hai vụ và trên dưới 1.000ha lúa một vụ. Tuy nhiên, theo ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, từ năm 2014 đến nay, hạn hán diễn ra nghiêm trọng, nên vụ hè thu 2015 vừa qua, toàn huyện chỉ xuống giống được 596ha lúa nước, còn lại hơn 300ha phải chuyển đổi sang trồng bắp và đậu các loại. “Chính phủ và UBND tỉnh đã hỗ trợ cho huyện Sơn Hòa hơn 18 tấn bắp lai giống MX10 và HN68, huyện đã cung cấp cho nhân dân nhận đủ. Chúng tôi vận động bà con trồng bắp lai kịp thời vụ thay cho cây lúa một vụ thiếu nước. Kết quả, cuối vụ hè thu năm 2014 đến vụ đông xuân 2015 vừa qua, năng suất bắp đạt rất cao (từ 5 đến 6 tấn/ha), sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi bằng hoặc hơn cây lúa rất nhiều”, ông Linh cho biết thêm.
Theo Sở NN-PTNT, từ năm 2013 đến nay, nông dân trong tỉnh cũng đã mạnh dạn chuyển đổi và đăng ký chuyển đổi hơn 1.200ha đất trồng lúa một vụ thiếu nước sang các loại cây trồng khác; trong đó, riêng năm 2015 hơn 700ha. Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi những loại cây trồng sử dụng nhiều nước trên vùng đất khô cằn, nhất là lúa một vụ sang các loại cây trồng cạn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và đang được nhiều nông dân mạnh dạn áp dụng. Vì vậy, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần khuyến khích nhân rộng, nhất là trong thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay. |
PHƯƠNG NAM