Để giảm áp lực và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã kiến nghị các đơn vị chức năng cần điều chỉnh giảm lãi suất vay ngắn hạn cho các doanh nghiệp xuống dưới mức trần 7% như hiện nay; tăng hạn mức tín dụng và tăng thời gian cho vay.
Theo VASEP, dưới áp lực giảm giá mạnh của đồng euro, yen và nhân dân tệ so với đồng USD đã tác động tới lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, khi mức linh hoạt tỉ giá USD/VND điều chỉnh thấp trong khi tỉ giá của các nước xuất khẩu cạnh tranh được linh hoạt hơn.
Bên cạnh đó, hiện giá thành sản xuất các mặt hàng thủy sản Việt Nam cao hơn các nước đang xuất khẩu cạnh tranh. Chẳng hạn, sản xuất tôm nuôi tại Ấn Độ và Indonesia, giá thành dao động 2,5USD/kg (tôm 100 con) trong khi Việt Nam từ 3,5-4USD/kg. VASEP cho rằng cần tập trung và có chương trình, giải pháp đồng bộ để giảm giá thành sản xuất.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng khó khăn nhưng mặt hàng tôm sú vẫn tốt. Vì vậy, các đơn vị cần tập trung phát triển mô hình tôm quảng canh, cải tiến, hướng dẫn giúp dân nâng cao năng suất, chất lượng. Đặc biệt, phải thực hiện quyết liệt các biện pháp giảm giá thành đối với tất cả các mặt hàng, kể cả mặt hàng có thị trường tốt lẫn mặt hàng thị trường không tốt. Đồng thời, đối với tôm nuôi phải quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh.
Qua 8 tháng, xuất khẩu thủy sản đạt 4,2 tỉ USD, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Bốn sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực đều giảm từ 6,5-28%, trong đó tôm giảm mạnh nhất (-29%), tác động đến kết quả xuất khẩu chung của ngành. Xuất khẩu tôm chiếm 43% với giá trị xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,8 tỉ USD, giảm 2,6 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 chiếm 50%).
Xuất khẩu cá tra giảm 9%, đạt trên 1 tỉ USD. Xuất khẩu cá ngừ tiếp tục giảm 7%, đạt trên 306 triệu USD. Các sản phẩm mực, bạch tuộc xuất khẩu giảm 11% xuống còn 273 triệu USD. Duy nhất xuất khẩu cá biển tăng nhẹ 4% đạt gần 660 triệu USD, các mặt hàng hải sản khác đều giảm.
Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ giảm chủ yếu là mặt hàng tôm (giảm 51%) do giá tôm giảm. Tôm Việt Nam cạnh tranh khó khăn về nguồn cung và giá với tôm Ấn Độ và Indonesia.
Tại thị trường EU, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ, mực và bạch tuộc đều giảm mạnh ở mức hai con số. Nguyên nhân do kinh tế suy giảm, nhu cầu tiêu thụ giảm, đồng euro mất giá so với USD khiến giá giảm, nhập khẩu hạn chế.
Thủy sản Việt Nam vào các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Trung Quốc cũng diễn ra tình trạng sụt giảm mạnh và chỉ có 2 thị trường ASEAN và Mexico tăng nhờ tăng nhập khẩu cá biển và cá ngừ.
Theo TTXVN/Vietnam+