Làng nghề bánh tráng Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An) có gần 400 hộ làm nghề tráng bánh tráng với hơn 800 lao động làm việc thường xuyên. Vài năm gần đây, nhu cầu đầu tư nhiều loại máy vào sản xuất bánh tráng tại làng nghề tăng cao nên nguồn điện không còn đáp ứng đủ, đòi hỏi ngành Điện phải đầu tư, nâng cấp hệ thống điện.
Làng nghề bánh tráng Hòa Đa có tiếng từ nhiều năm nay không chỉ với mỗi bánh tráng mà còn được biết đến với các loại sản phẩm từ gạo như bánh ướt, bánh hỏi, bún, phở... Vài năm gần đây, nhu cầu sản xuất ngày càng lớn nên nhiều hộ dân ở làng nghề này không chỉ làm thủ công mà còn đầu tư nhiều loại máy vào sản xuất như máy làm bánh tráng, máy làm bún, phở, máy xay gạo, máy sấy, máy vo gạo... Nhu cầu sử dụng điện theo đó cũng tăng cao hơn trước nhưng một số nơi, nguồn điện cấp không đảm bảo nhu cầu sản xuất của người dân. Ông Nguyễn Văn Khoa, một hộ dân làm bún, bánh tráng tại thôn Giai Sơn, xã An Mỹ, cho biết: Trước kia, khi ngành Điện chưa nâng cấp đường dây 0,2kV lên 0,4kV thì điện ở khu vực này chỉ có thể dùng cho sinh hoạt vì ở khá xa trạm điện. Năm trước, sau khi được nâng cấp, lưới điện khá ổn định. Nhờ vậy, gia đình tôi đã đầu tư thêm 1 máy làm bánh tráng, 1 máy làm bún và 4 máy xay gạo, vo gạo để phục vụ sản xuất hiệu quả hơn.
Còn hộ ông Đỗ Văn Trong ở khu vực bàu Súng, thôn Giai Sơn, thì cho biết: “Gia đình tôi làm bánh từ nhiều năm nay, có một lượng bạn hàng đáng kể. Chúng tôi muốn đầu tư máy làm bánh để nâng công suất và giảm chi phí nhưng nguồn điện ở đây không đáp ứng được. Các loại máy này phải sử dụng điện 3 pha, trong khi trạm điện lại cách nhà tôi hơn 2km, việc kéo điện cũng như chất lượng điện không bằng những nơi khác. Tôi đã có đơn đề nghị Điện lực Tuy An cấp điện 3 pha cho sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất. Vì điện chưa có nên tôi chưa dám nhập máy về làm”. Gần nhà ông Trong, một hộ dân khác cũng muốn đầu tư máy làm bánh ướt nhưng chưa thực hiện được vì khó khăn về nguồn điện 3 pha cho sản xuất.
Ông Mai Khoa, Giám đốc Điện lực Tuy An, cho biết: Xã An Mỹ có hơn 3.000 khách hàng sử dụng điện. Khu vực này đã có 4 trạm biến áp; trong đó 1 trạm 250kVA, 1 trạm 160kVA và 2 trạm 100kVA. Trước đây, lưới điện này khá ổn định, đảm bảo cấp điện cho sinh hoạt, sản xuất của người dân. Tuy nhiên, vài năm gần đây nhiều hộ khách hàng mới phát triển thêm ra khu vực bàu Súng nên phạm vi, số khách hàng cần cấp điện ngày càng lớn. Một số hộ ở xa phải kéo điện cách trạm biến áp từ 2 đến 3km nên chất lượng điện giảm. Thêm vào đó, trong 3 năm gần đây, số hộ dân đầu tư máy móc làm bánh tráng, bún, phở khô, bánh ướt... tăng mạnh nên tạm thời lưới điện chưa thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong năm 2015, Điện lực Tuy An đã đưa vào kế hoạch đầu tư thêm một trạm biến áp 250kVA tại thôn Giai Sơn để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sản xuất, sinh hoạt của người dân khu vực này. Việc đầu tư thêm một trạm biến áp sẽ giúp giảm tỉ lệ tổn thất điện năng và nâng cao chất lượng lưới điện. Dự kiến, dự án này sẽ được triển khai và hoàn thành trong năm 2015 để phục vụ tốt hơn nhu cầu sử dụng điện của người dân.
NGÔ XUÂN