Thứ Năm, 07/11/2024 00:31 SA
Ea Ly - “cô gái” đang tuổi xuân thì
Thứ Tư, 19/08/2015 08:14 SA

Người dân Ea Ly thu hoạch cà phê vụ mùa năm 2014 - Ảnh: N.HUY

Xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) vốn rất hoang sơ, bốn bề là rừng, đêm đêm vang tiếng thú gọi bầy. Những nếp nhà tạm bợ chông chênh trong mùa mưa, khi người dân phải dự trữ lương thực bởi ngại quãng đường lầy lội dài hơn 20 cây số dẫn về thị trấn. Đó là chuyện ngày trước. Ea Ly hôm nay có rất nhiều đổi thay, tràn đầy sức sống như một cô gái đang tuổi xuân thì.

 

THỜI “MỞ ĐẤT”

 

Buổi đầu, Ea Ly là nơi sinh cơ lập nghiệp của một nhóm người Tày, Nùng từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn… di cư vào. Họ khai hoang, sinh sống tại khu vực mà nhiều người gọi là Đầm Voi (thôn Tân Lập). Năm 1993, nơi này trở thành vùng kinh tế mới Tân Lập thuộc xã Ea Bar (huyện Sông Hinh). Năm 2003, UBND huyện Sông Hinh quyết định thành lập xã Ea Ly với 6 thôn: Tân Lập, Tân Yên, Tân Bình, Tân Sơn, buôn Zô và 2 Tháng 4. Trong ký ức của những người được sinh ra và lớn lên trên vùng đất Sông Hinh, cái tên Tân Lập thường gắn liền với sự hoang sơ, nơi có nhiều thú dữ đe dọa mùa màng.

 

Một trong những cư dân đầu tiên có mặt tại Tân Lập là ông Nguyễn Đình Sao, người được xem như già làng của đồng bào dân tộc Tày ở nơi này. Quê ở Lạng Sơn, nghe nói đất đai ở Tân Lập tươi tốt màu mỡ, hứa hẹn một cuộc sống no đủ, ông Sao cùng gia đình vét tiền để mua vé tàu Bắc - Nam, chuyến tàu mà ông gọi là đi tìm ánh sáng của hy vọng. “Thời gian đầu đến đây, chúng tôi thường xuyên bị thú rừng quấy phá. Lúa rẫy mình mới trồng, heo rừng có thể phá bất cứ lúc nào. Xung quanh là rừng thiêng nước độc, bệnh tật có thể đến với bất kỳ ai. Điều đáng sợ nhất là xung quanh chỉ có vài ngôi nhà, điều kiện sống hầu như không có gì. Có cảm giác như chúng tôi đang sống ở một vùng biệt lập, mà đúng là biệt lập thật khi phải vượt qua quãng đường hơn 20km về thị trấn Hai Riêng mua thức ăn, thuốc men, đồ dùng sinh hoạt” - ông Nguyễn Đình Sao nhớ lại.

 

Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Ea Ly, một trong những cán bộ có thâm niên làm việc tại nơi này, cho biết: “Bên cạnh những khó khăn do cách trở về địa lý, việc quản lý hành chính cũng không đơn giản. Không phải ai đến với vùng đất Tân Lập cũng đều mang theo hy vọng xây dựng đời sống mới. Một số thành phần bất hảo, lợi dụng vị trí địa lý và địa hình đã trà trộn vào đây khiến cuộc sống của người dân thêm khó khăn. Với những người làm công tác quản lý thời điểm ấy, đó là một trong những “bài toán” cần phải giải”.

 

Trong ký ức của tôi, một người lớn lên ở miền đất Sông Hinh, vẫn rõ mồn một hình ảnh từng tốp người vai mang ba lô đựng đầy ắp lương thực, thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu vừa mới mua ở chợ Sông Hinh ngồi ven khu vực ngã tư thị trấn trước khi khởi hành về lại Tân Lập. Với nhiều người dân ở huyện Sông Hinh, đó là thời kỳ mà con người lấy ý chí, sức lực để thay đổi một vùng đất. Và hôm nay, khi trở lại Ea Ly, nhiều người đã ngỡ ngàng vì sự phát triển nhanh chóng của nơi này.

 

ĐỔI THAY

 

Có thể nói Ea Ly là một trong những xã có tốc độ phát triển kinh tế mạnh nhất huyện Sông Hinh trong vài năm trở lại đây. Nơi này được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu ôn hòa. Toàn xã hiện có 3.582ha đất gieo trồng. Đất Ea Ly có thể trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cà phê, tiêu, cao su... Gia đình ông Nguyễn Đình Sao, từ hai bàn tay trắng khi đến thôn Tân Lập, giờ làm chủ 16ha đất trồng cà phê, tiêu và cao su. Ước tính mỗi năm gia đình ông Sao thu nhập không dưới 300 triệu đồng. Phát triển kinh tế, gia đình ông trở thành một trong những hộ đáng nể ở Tân Lập khi con, cháu đều thi đỗ đại học; bản thân ông nhiều năm liền được biểu dương là nông dân sản xuất giỏi.

 

Nông nghiệp phát triển là cơ hội để các ngành kinh tế khác ở Ea Ly phát triển theo. Dọc QL29 đoạn qua trung tâm xã, ngoài chợ Ea Ly còn có gần 200 cơ sở kinh doanh, dịch vụ lớn nhỏ. Tại trung tâm xã Ea Ly hiện nay, người dân có thể mua được những vật dụng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt hàng ngày mà không cần phải xuống thị trấn Hai Riêng như trước.

 

Nếu là một người từ nơi khác đến, buổi sáng thức dậy, tận hưởng không khí mát lạnh của vùng Tây Nguyên, nhìn hình ảnh tấp nập ở chợ Ea Ly và các chuyến xe chở nông sản nối đuôi nhau đến với những mảnh đất màu mỡ đang bước vào vụ thu hoạch, lòng sẽ bình yên và tin tưởng vào sự no đủ trên vùng đất này.

 

Xã Ea Ly là nơi sinh sống của 13 dân tộc anh em đến từ hơn 30 tỉnh, thành trong nước. Đến thôn Tân Lập sẽ gặp cộng đồng người Tày với những sắc màu văn hóa đặc trưng của họ, với CLB Hát then nổi tiếng khắp huyện Sông Hinh. Đến mùa lễ hội, hình ảnh những chàng trai, cô gái đang tham gia vào các trò chơi dân gian như ném còn sẽ khiến du khách thích thú.

 

Người Nùng chủ yếu sống tập trung ở thôn Tân Sơn, người Dao sinh sống ở thôn Tân Bình, người Ê Đê sinh sống ở buôn Zô cách đó không xa… Họ vẫn giữ được bản sắc của dân tộc mình và có chung suy nghĩ: cùng với Đảng, Nhà nước xây dựng Ea Ly ngày càng giàu đẹp.

 

Ông Nguyễn Phúc Thành, Bí thư Đảng ủy xã Ea Ly, cho biết: “Trong thời gian tới, xã Ea Ly sẽ huy động mọi nguồn lực phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế mang tính bền vững gắn với sự ổn định của cộng đồng dân cư và xã hội; phấn đấu hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào năm 2017 và xây dựng xã Ea Ly trở thành thị trấn Ea Ly sau năm 2020”.

 

Sự ưu đãi của thiên nhiên cộng với ý Đảng hợp lòng dân, ý chí vươn lên làm giàu, sự đoàn kết của các cộng đồng dân cư đã tạo nên sức bật mới cho Ea Ly, khiến nơi này có sức hút đối với doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thành Đệ đến từ tỉnh Long An, sau một thời gian làm nông nghiệp ở vùng đất này đã quyết định xây dựng nhà máy phân bón Phúc Trường Thịnh với công suất 12.000 tấn/năm, chủ yếu là phân hữu cơ, vi sinh và phân bón lá, đi vào hoạt động từ năm 2013. “Tiềm năng của xã Ea Ly là rất lớn, bên cạnh đó là sự quan tâm và tạo điều kiện của chính quyền địa phương giúp những doanh nghiệp như chúng tôi hoạt động, chung tay phát triển kinh tế xã hội” - ông Đệ nói.

 

Chúng tôi rời Ea Ly khi khu trung tâm xã lên đèn. Nông dân trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả, nhưng những chuyến xe chở đầy các loại nông sản vẫn bon bon trên các tuyến đường như chở đầy những hy vọng của người dân Ea Ly. Nhìn những hình ảnh sống động ấy, tôi chợt nhớ đến câu hát đầy ý nghĩa trong bài Hát về cây lúa hôm nay của nhạc sĩ Hoàng Vân. “…Trong gian khổ, hạnh phúc đã đến rồi. Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay…”. Mọi thứ ở Ea Ly mới chỉ là sự khởi đầu và chắc chắn đây sẽ là vùng đất đầy tiềm năng của huyện Sông Hinh.

 

Ghi chép của NHẬT HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek