Qua thực tế nhiều năm làm bún truyền thống, ông Phạm Trọng Nhanh ở thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa, đã tự mày mò, sáng chế ra máy làm bún và lò hơi giúp làm bún nhanh, chất lượng, tiết kiệm tiền điện mỗi tháng. Không chỉ phục vụ cho gia đình, mô hình lò hơi, máy làm bún của ông Nhanh còn phục vụ cho hàng trăm hộ sản xuất khác của làng nghề bún Định Thành.
Máy làm bún của ông Nhanh - Ảnh: N.XUÂN |
Ông Trương Vĩnh Thảo, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Định Đông, cho biết: Sau khi được hỗ trợ kinh phí mua máy làm bún, cơ sở của ông Phạm Trọng Nhanh hoạt động rất hiệu quả, đồng thời hỗ trợ tích cực cho các hộ dân khác trong làng nghề. Đặc biệt, từ khi ông Nhanh sáng chế thêm một máy làm bún và một lò hơi, giúp nâng công suất làm bún, giảm chi phí đầu vào và nâng cao chất lượng bún Định Thành. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục khuyến khích các hộ dân đầu tư mở rộng mô hình máy làm bún, lò hơi để tiết kiệm nhiên liệu. Địa phương cũng sẽ tiếp tục đề xuất huyện có cơ chế hỗ trợ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng của làng nghề như đường giao thông, hệ thống xử lý nước thải, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề… |
Năm 2010, được hỗ trợ một phần nguồn vốn phát triển làng nghề, ông Phạm Trọng Nhanh là một trong hai hộ mạnh dạn mua máy làm bún về thử nghiệm. Sau 2 năm vừa làm quen, vừa tự mày mò nguyên lý hoạt động của loại máy này, ông Nhanh nhận thấy máy làm bún sản xuất đại trà trên thị trường còn một số hạn chế. Cụ thể như tốn nhiều năng lượng, cọng bún ít dẻo, máy lại thường xuyên trục trặc, hư hỏng vặt. Thế là ông Nhanh tự “chế” thêm một máy làm bún khác, khắc phục được những hạn chế của máy cũ, đồng thời tạo thêm một lò hơi đốt bằng củi để tiết kiệm năng lượng. Sau hơn 1 năm thử nghiệm, đến nay, máy làm bún và lò hơi do ông sáng chế đã phát huy hiệu quả, giúp việc làm bún nhanh hơn, cọng bún dai, chất lượng hơn.
Ông Phạm Trọng Nhanh chia sẻ: Hiện mỗi máy làm bún bán trên thị trường có giá trên 60 triệu đồng, một lò hơi cũng gần 100 triệu đồng. Chi phí này quá cao đối với một hộ sản xuất nhỏ lẻ. Cả làng nghề chỉ có 2 máy làm bún nên chưa đáp ứng nhu cầu. Do vậy, tôi quyết định đầu tư lò hơi và máy làm bún do chính mình thiết kế. Sau gần 1 năm mày mò, nghiên cứu, tôi đã chế tạo thành công 2 thiết bị này với chi phí hơn 70 triệu đồng.
Theo ông Nhanh, lò hơi được đốt bằng củi, có gắn đồng hồ đo nhiệt độ, van mở, van xả nước, ống dẫn nước, ống dẫn hơi... Ưu điểm của lò hơi này là nước bốc hơi trực tiếp làm chín bún. Cách làm bún này vừa đảm bảo vệ sinh, vừa tiết kiệm được nhân công trong quá trình sản xuất. Lò hơi được sử dụng chủ yếu vào giờ cao điểm để tiết kiệm chi phí tiền điện và không gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân xung quanh. Khi chưa có lò hơi, mỗi tháng, gia đình ông Nhanh phải trả từ 17 đến 20 triệu đồng tiền điện, nhưng nay gia đình ông chỉ trả 7 đến 10 triệu đồng tiền điện/tháng.
Còn máy làm bún mới có ưu điểm tiết kiệm điện, ít bị sự cố trong quá trình thay khuôn. Với máy làm bún, số gạo sản xuất tại lò bún của gia đình ông Nhanh tăng từ 300kg đến gần 700 kg/ngày (1kg gạo xay 3kg bún tươi). Với những ưu điểm của 2 thiết bị này, cơ sở sản xuất bún của ông Nhanh “hút” được nhiều khách hàng. Bình quân mỗi ngày, cơ sở của ông Nhanh có từ 50 đến 60 người đến làm bún. Mỗi ký bún tươi, ông Nhanh thu 700 đồng. Bình quân mỗi tháng, gia đình ông thu được trên 40 triệu đồng tiền công làm bún.
Chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông, một khách hàng thường xuyên của cơ sở sản xuất bún do ông Nhanh làm chủ, chia sẻ: Trước đây, làng nghề Định Thành chỉ có 2 máy làm bún, hàng ngày chúng tôi phải chờ rất lâu mới đến lượt mình đưa gạo vào xay. Thỉnh thoảng một trong hai máy trục trặc thì phải chờ cả buổi, thậm chí trễ giờ giao bún cho khách. Từ khi cơ sở của ông Nhanh đầu tư thêm máy làm bún và lò hơi thì hầu như chúng tôi không phải chờ lâu, mà sợi bún ngày càng ngon, trắng, dẻo, dai hơn nên bạn hàng rất ưa chuộng.
NAM KHÁNH