Ngân hàng Phát triển (VDB) chi nhánh Phú Yên vừa ký kết hợp đồng tín dụng cho Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP VIL) vay vốn thực hiện dự án Nâng công suất Nhà máy đường Sơn Hòa lên 10.000 tấn mía/ngày. Dự án này sẽ góp phần giảm thời gian ép mía, tăng hiệu suất thu hồi đường, đáp ứng mong đợi của người trồng mía ở địa phương.
RÚT NGẮN THỜI GIAN ÉP MÍA
Theo KCP VIL, Nhà máy đường Sơn Hòa đạt công suất 5.000 tấn mía/ngày cách đây hơn 5 năm, đến nay đã quá tải. Mùa vụ ép mía kéo dài từ 5 đến 6 tháng làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cũng như chữ đường. Do vậy, công ty quyết định đầu tư nâng công suất Nhà máy đường Sơn Hòa lên 10.000 tấn mía/ngày nhằm rút ngắn thời gian ép mía còn 120 ngày để tăng hiệu suất thu hồi đường, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh; góp phần tiêu thụ hết mía cho nông dân, giảm thiệt hại đối với người trồng mía; đồng thời đáp ứng nhu cầu về đường thực phẩm có chất lượng cao cho các ngành chế biến thực phẩm. Dự án này được triển khai tại thị trấn Củng Sơn và xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) với tổng mức đầu tư 1.150,5 tỉ đồng, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai từ năm 2015 đến
2016, nâng công suất nhà máy lên 8.000 tấn mía/ngày; giai đoạn 2 từ năm 2017 đến 2018, nâng công suất lên 10.000 tấn mía/ngày. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại Nhà máy đường Sơn Hòa, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn sản xuất mía nguyên liệu phục vụ cho nhà máy; góp phần tăng thu ngân sách địa phương.
Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng giám đốc KCP VIL, cho biết: Dự án nói trên phù hợp với chiến lược của ngành mía đường đến năm 2020 và phù hợp với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp mía đường của Phú Yên. Vì theo quy hoạch chi tiết đã được UBND tỉnh phê duyệt, vùng nguyên liệu mía của Công ty KCP có diện tích 13.000ha và diện tích có khả năng phát triển cây mía là 16.950ha thuộc các huyện Sơn Hòa, Phú Hòa, Đồng Xuân, Tuy An và TX Sông Cầu. Đến nay, công ty đã phát triển diện tích trồng mía theo lộ trình cho phép và ký hợp đồng trồng mía với nông dân địa phương trên diện tích khoảng 17.000ha. Với diện tích này và năng suất bình quân 65 tấn/ha thì sản lượng mía hàng năm đạt hơn 1,1 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu của nhà máy với công suất 8.000 tấn mía/ngày giai đoạn 2015-2016. Khi năng suất mía tăng lên 80 tấn/ha thì sản lượng mía hàng năm đạt khoảng 1,36 triệu tấn, đáp ứng cho nhà máy với công suất 10.000 tấn mía/ngày vào các năm 2017-2018.
DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI ĐẦU TIÊN ĐƯỢC VAY VỐN CỦA VDB
Dự án Nâng công suất Nhà máy đường Sơn Hòa lên 10.000 tấn mía/ngày được triển khai tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên thuộc đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước. Do đó, VDB đã đồng ý cho Công ty KCP vay 330 tỉ đồng để thanh toán chi phí các hạng mục xây dựng, thiết bị theo đúng dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ông Lê Minh Thư, Giám đốc VDB Phú Yên, cho biết KCP VIL đã có quan hệ tín dụng với VDB từ năm 2000 (khi còn là Quỹ Hỗ trợ phát triển). Đây cũng là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam được Chính phủ cho vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển để di dời nhà máy đường từ tỉnh Thừa Thiên - Huế về Phú Yên, đầu tư dự án Nâng công suất Nhà máy đường Sơn Hòa lên 5.000 tấn mía/ngày và vay vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh. Trong quá trình vay vốn, KCP VIL thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, không để phát sinh nợ quá hạn. Vì vậy, khi doanh nghiệp này có văn bản đề nghị vay vốn thực hiện dự án Nâng công suất Nhà máy đường Sơn Hòa lên 10.000 tấn mía/ngày, VDB Phú Yên đã hợp tác chặt chẽ với công ty để hoàn thiện hồ sơ vay vốn, thẩm định hồ sơ, phương án tài chính, phương án trả nợ… chặt chẽ; báo cáo VDB xem xét, quyết định cho vay.
Theo ông Subbaiah, thời điểm chuyển nhà máy từ tỉnh Thừa Thiên - Huế vào Phú Yên, công ty gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, nhờ lãnh đạo tỉnh Phú Yên bảo lãnh, KCP VIL đã được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển. Vượt qua những ngày đầu khó khăn, càng ngày công ty càng phát triển và từng bước nâng công suất nhà máy đường lên 3.000 tấn mía/ngày, 5.000 tấn mía/ngày và sắp tới là 10.000 tấn mía/ngày. Ngoài ra, công ty còn đầu tư một số dự án như nhà máy sản xuất phân vi sinh, cồn ethanol, điện Đồng Phát… để tận dụng hết những sản phẩm sau đường, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án.
Việc KCP VIL đầu tư nâng công suất Nhà máy đường Sơn Hòa lên 10.000 tấn mía/ngày đáp ứng mong đợi bấy lâu nay của người dân địa phương. Dự án hết sức thiết thực với người trồng mía; góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, phù hợp với quy hoạch phát triển vùng trồng mía của huyện, của tỉnh. Vì vậy, huyện Sơn Hòa sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa nhà máy vào hoạt động. Ông Võ Đức Thơ, Phó bí thư Huyện ủy Sơn Hòa |
LÊ HẢO