Theo lộ trình của tỉnh, đến cuối năm 2014, sẽ không còn lò sản xuất gạch, ngói thủ công. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh vẫn còn 127 lò thủ công đang hoạt động. Để chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các lò gạch, ngói này, các địa phương phải quản lý chặt nguồn khoáng sản đất sét, là nguyên liệu để sản xuất gạch, ngói thủ công.
Qua thống kê của Sở Xây dựng, hiện nay toàn tỉnh còn 127 lò thủ công sản xuất gạch, ngói đất sét nung đang hoạt động với khoảng 1.600 lao động đang làm việc. Trong đó, huyện Đông Hòa còn 56 lò, Phú Hòa 33 lò, Tây Hòa 23 lò, Sơn Hòa 9 lò, Đồng Xuân 5 lò. Số lượng gạch, ngói mộc chưa nung còn tồn tại các cơ sở này khoảng 3,4 triệu viên và khoảng 38.000m3 đất sét còn tồn trữ. |
127 LÒ GẠCH, NGÓI ĐANG HOẠT ĐỘNG
Với chủ trương phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch ngói đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường…, ngày 14/4/2014, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 09 về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch, ngói, đất sét nung trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ thị trên, các ngành và địa phương có liên quan đã đồng loạt triển khai thực hiện nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều lò sản xuất gạch, ngói thủ công hoạt động.
Theo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Hòa, thực hiện xóa bỏ lò gạch, ngói thủ công trên địa bàn, huyện đã thành lập tổ liên ngành, tiến hành kiểm tra các lò sản xuất gạch, ngói thủ công. Kết quả, trên địa bàn huyện vẫn còn 26 cơ sở với 33 lò sản xuất gạch, ngói đất sét nung đang hoạt động, chủ yếu là các cơ sở còn tồn trữ nguyên liệu đất sét, với khối lượng đất sét còn tồn khoảng 30.000m3. Ông Nguyễn Ngọc Thuận, Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Hòa, cho biết: Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, tổ công tác liên ngành đã lập biên bản đình chỉ hoạt động sản xuất đối với các cơ sở trên và nghiêm cấm các cơ sở này khai thác đất sét bằng bất kỳ hình thức nào. Đồng thời, UBND huyện đã có công văn đề nghị Điện lực Phú Hòa ngừng cung cấp điện cho các lò gạch, ngói thủ công. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất này vẫn cố chấp, mua máy phát điện để tiếp tục hoạt động.
Ông Hồ Tấn Quân ở thôn Đại Phú, xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), cho hay: “Chúng tôi biết Nhà nước có chủ trương chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung, đây là chủ trương chung, mọi người đều phải chấp hành. Tuy nhiên, hiện tại cơ sở của tôi, cùng nhiều cơ sở sản xuất gạch, ngói thủ công khác ở địa phương đang tồn khá nhiều đất sét, trung bình mỗi lò còn khoảng 1.800m3 đến 2.000m3. Nếu phải dừng sản xuất ngay bây giờ, chúng tôi sẽ không thể thu hồi được vốn đã bỏ ra để mua nguyên liệu. Vì vậy, chúng tôi rất mong các cấp thẩm quyền xem xét, giúp đỡ để chúng tôi được sản xuất đến hết năm 2015”.
Sản xuất gạch tại huyện Đông Hòa - Ảnh có tính minh họa - Ảnh: D.T.X |
Tương tự, trên địa bàn huyện Đông Hòa, hiện nay vẫn còn 56 lò gạch, ngói đất sét nung đang sản xuất, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Hòa Hiệp Trung. Ông Trần Duy Ngọc, Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đông Hòa, cho biết: Sau khi UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 09, huyện Đông Hòa đã triển khai nhiều đợt tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi nghề nghiệp và thực hiện tự tháo dỡ lò sản xuất gạch, ngói thủ công. Đến nay đã có 39 cơ sở ngừng sản xuất. Trong đó, 16 cơ sở thực hiện tháo dỡ lò nung, 12 cơ sở tháo dỡ được 50%, 11 cơ sở còn lại mặc dù đã ngừng sản xuất nhưng vẫn chưa chịu tháo dỡ. Nguyên nhân chính là do các chủ cơ sở này còn đang chần chừ, trông chờ cơ chế hỗ trợ của Nhà nước để chuyển đổi nghề nghiệp.
QUẢN LÝ CHẶT NGUỒN NGUYÊN LIỆU
Theo Sở Xây dựng, để có thể chấm dứt hoạt động của các lò sản xuất gạch, ngói đất sét nung thì ngoài các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện chấp hành chủ trương của Nhà nước, các địa phương phải tăng cường quản lý nguồn nguyên liệu đất sét tại các cơ sở này, không cho các chủ lò thu mua thêm đất sét để kéo dài thời gian sản xuất. Đồng thời các địa phương phải tăng cường quản lý khoáng sản đất sét, không cho lấy đất sét ruộng dưới bất kỳ hình thức nào nếu chưa được sự cho phép của cấp có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Ngọc Thuận, Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Hòa, cho biết: Để thực hiện việc này, UBND huyện Phú Hòa đã có công văn chỉ đạo các xã, thị trấn nghiêm túc thực hiện việc quản lý đất ruộng, không cho người dân tự ý san, gạt đồng ruộng, thu hoạch đất sét để bán cho các lò gạch. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng lén lút khai thác đất sét để làm gạch, ngói vẫn xảy ra, đây cũng là nguyên nhân chính làm cho lộ trình xóa bỏ các lò gạch, ngói đất sét nung trên địa bàn chưa thực hiện đúng theo yêu cầu. Để chấm dứt tình trạng này, UBND huyện Phú Hòa đã yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý theo quy định đối với các trường hợp lén lút khai thác, vận chuyển đất sét từ nơi khác để làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói thủ công. Đồng thời UBND các xã, các HTX nhanh chóng thanh lý hợp đồng cho thuê mặt bằng với các cơ sở sản xuất gạch, ngói thủ công. Bắt buộc họ tự tháo dỡ lều trại, vỏ lò, trả lại mặt bằng. Nếu các xã, HTX không chấp hành sẽ bị xử lý việc sử dụng đất sai mục đích.
Trong khi đó, tại huyện Đông Hòa việc quản lý nguồn nguyên liệu đất sét vẫn chưa được chú trọng. Hiện nay, tình trạng thu mua, tích trữ đất sét tại các lò gạch, ngói thủ công diễn ra khá rầm rộ và công khai. Mỗi ngày có nhiều chuyến xe bục bịch, xe tải nhỏ chở đầy đất sét đến cung cấp cho các chủ lò. Ông Đỗ Văn Dũng ở khu phố Phú Thọ 1, thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), cho biết: “Khi cần tôi chỉ gọi điện là sẽ có xe chở tới tận lò, với giá từ 200.000 đồng đến 220.000 đồng/xe bục bịch.
Theo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đông Hòa, hầu hết lượng đất sét các chủ lò thu mua được gom từ TP Tuy Hòa chở về nên địa phương không quản được. Để chấm dứt được hoạt động của các lò gạch, ngói thủ công ngoài việc địa phương quản lý chặt nguồn khoáng sản đất sét, huyện Đông Hòa cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho TP Tuy Hòa thực hiện nghiêm túc việc cấm san gạt, cải tạo đồng ruộng để lấy đất sét bán cho các lò gạch. Đồng thời, UBND tỉnh sớm có cơ chế cho phép thực hiện cưỡng chế tháo dỡ các lò sản xuất gạch, ngói đất sét nung thủ công.
THỦY TIÊN