Trong xu hướng hội nhập thương mại điện tử đang trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong phát triển kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp (DN) ở Phú Yên vận dụng điều này.
Nhiều DN Phú Yên bắt đầu chú trọng đầu tư xây dựng website để quảng bá sản phẩm và mua bán qua mạng – Ảnh: Đ.NGUYÊN
20 DN XÂY DỰNG WEBSITE ĐỂ KINH DOANH
Kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử có vai trò quan trọng giúp tăng sức tiêu thụ, tạo ra những thay đổi cơ bản trong giao thương hàng hóa giữa DN với khách hàng cũng như giữa các DN với nhau. Bà Trần Thị Liễu, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân thương mại Xuân Phấn cho biết: “Được sự hỗ trợ của mạng doanh nghiệp Việt
Hiện đã có 20 DN ở Phú Yên bắt đầu đầu tư kinh phí xây dựng trang web và giao dịch thương mại trực tuyến song song với hình thức bán hàng truyền thống. Theo ông Ngô Thanh Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần P&R Long Quân, ba yếu tố quan trọng để đạt hiệu quả cao trong mô hình kinh doanh trực tuyến là: Duy trì cơ sở hạ tầng mạng tốt, có chiến lược quảng bá website đến với khách hàng cũng như các đối tác và phương thức bán hàng linh hoạt. Những yếu tố này giúp khách hàng tin tưởng, áp dụng hình thức mua hàng hiện đại thay cho cách mua bán truyền thống của phần lớn người tiêu dùng. Ông Trần Đình Toản, phụ trách Trung tâm Tư vấn Công nghệ thông tin doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI đang phối hợp với Sở Bưu chính - Viễn thông các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên triển khai kế hoạch hoạt động của đề án 191 của Chính phủ về “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2006-2010”. Trong đó, mảng hoạt động quan trọng là hình thành một trung tâm đào tạo, tư vấn công nghệ thông tin DN. Khi đó, các DN sẽ có cơ hội tiếp cận với các hoạt động này, ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh trực tuyến và thương mại điện tử.
KINH DOANH QUA MẠNG THẾ NÀO CHO HIỆU QUẢ?
Thực tế, DN có thể thiết kế một website để phục vụ cho các mục đích điều tra thị trường, hỗ trợ khách hàng, bán hàng qua mạng, thực hiện dịch vụ quảng cáo điện tử, tổ chức một hệ thống thông tin theo yêu cầu và chiến lược kinh doanh của mình. Để tránh lãng phí, duy trì hiệu quả hoạt động của website, theo ông Trần Đình Toản, các DN cần đầu tư kinh phí phù hợp với mục đích, chiến lược kinh doanh cụ thể. Phương thức kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử có thể mang lại cho DN những lợi ích rất lớn như tiết kiệm được tối đa chi phí thuê mướn mặt bằng, nhân viên bán hàng, tiếp thị... để giảm giá bán sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Khi internet ngày càng trở nên phổ biến, phương thức bán hàng trực tuyến càng phát huy được những ưu điểm vượt trội. DN có thể dễ dàng thành lập một siêu thị ảo để quảng bá thương hiệu, bán các sản phẩm do mình phân phối, sản xuất và có khả năng giao tiếp với nhiều đối tượng khách hàng trong cùng thời điểm chỉ qua vài thao tác nhấp chuột trên trang web. “Với xu thế hội nhập quốc tế và môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, qui mô hoạt động của một DN không còn là vấn đề thiết yếu dẫn tới sự thành công nữa, mà cần một giải pháp kinh doanh mới. Vì vậy, việc trang bị các công cụ, thiết bị công nghệ hiệu quả, tiết kiệm chi phí càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết” – Bà Trần Thị Liễu nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng đối với các DN nhỏ, mô hình tốt nhất là website thông tin về DN, sản phẩm, dịch vụ, các hoạt động thường nhật của DN, hệ thống thông tin góp ý của khách hàng. Không nên đầu tư để xây dựng một hệ thống quá lớn khi sản phẩm, dịch vụ của DN này còn chưa đa dạng. Nếu trang web có quy mô vừa nhưng chuyên nghiệp, giao diện đẹp, thông tin hình ảnh sản phẩm phong phú, được xử lý đồ họa trước khi cập nhật trên mạng thì sẽ mang lại hiệu quả hơn một trang web quá lớn nhưng nội dung thông tin không tương xứng với tài nguyên mạng. Đối với DN có quy mô lớn, trước tiên cần xác định chiến lược phát triển kinh doanh lâu dài, chọn ra những giải pháp tối ưu để đầu tư vào website.
ĐĂNG NGUYÊN