Bà Nguyễn Thị Diệp ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) bức xúc: Vẫn sử dụng thiết bị điện như bình thường nhưng tiền điện tháng 6 tăng đột biến hơn tháng trước 450.000 đồng.
Anh Nguyễn Thành Nam ở phường 9 (TP Tuy Hòa), giật mình khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 6 là 1,4 triệu đồng, trong khi tiền điện tháng 5 chỉ 550.000 đồng!
Đây chỉ là hai trong số các trường hợp khác cam đoan là họ sử dụng điện thực tế thay đổi không nhiều trong mùa hè nhưng công suất điện ghi trên hóa đơn tăng đột biến gấp 3 đến 4 lần.
Không chỉ ở Phú Yên, nhiều người dân sử dụng điện trong cả nước cũng than phiền vì hóa đơn tiền điện tăng cao! Theo ý kiến của người dân, cách tính lũy tiến giá điện hiện nay cũng đang gây bất lợi lớn cho người tiêu dùng. Vì vào những ngày thời tiết nắng nóng, hầu hết các hộ dân đều phải dùng trên 400kWh điện. Khi đó, giá điện mỗi kWh sẽ là 2.587 đồng/kWh, cao hơn tới 964,99 đồng/kWh so với giá bình quân được Chính phủ phê duyệt. Cách tính thay đổi theo kiểu lũy tiến là cách gián tiếp làm tăng giá điện lên cao! Nói tóm lại, người dân càng dùng nhiều điện thì mức phí tính càng cao.
Theo ông Trần Tuấn Bảo, Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty Điện lực Phú Yên), việc số điện tăng do một vài nguyên nhân cơ bản như sử dụng nhiều thiết bị điện với thời gian liên tục, sử dụng thiết bị không đạt chuẩn dẫn tới tiêu hao nhiều điện hoặc do thất thoát một phần trong quá trình truyền tải điện năng… Người dân cho rằng cách lý giải này chưa thỏa đáng khi mà tiền điện tăng đột biến 3 đến 4 lần; đồng thời nghi ngờ về cách tính tiền điện thiếu chính xác (?!)
Tiền điện tăng cao kéo theo nó là cả hệ thống mặt bằng giá đều tăng nên chi phí kéo theo sẽ tăng 7,5% nữa; điều này đồng nghĩa với việc tăng thêm gánh nặng cho gia đình. Sinh viên phải thắt lưng buộc bụng để gánh bớt nỗi lo cho gia đình. Giá điện tăng cũng khiến các doanh nghiệp lo ngại sẽ gặp khó khăn nhiều hơn khi chi phí đầu vào bị đội lên cao.
Theo các chuyên gia kinh tế, để công khai và minh bạch giá điện, nên có một đơn vị độc lập vào cuộc để rà soát, kiểm tra. Cơ quan độc lập này sẽ đối thoại với ngành Điện về các vấn đề liên quan khi người dân phản ánh; đồng thời có thể nhờ Cục Quản lý giá, Cục Quản lý Cạnh tranh để can thiệp trong trường hợp thấy bất thường.
Điều đáng quan tâm là Bộ Công thương vừa kêu gọi toàn dân giám sát tiền điện. Theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Công thương, EVN cần thực hiện đầy đủ tin nhắn cho khách hàng sử dụng điện về các thông tin liên quan đến hóa đơn tiền điện; kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện tốt công tác liên quan đến việc ghi chỉ số công tơ nói riêng và các hoạt động khác liên quan đến dịch vụ khách hàng...
Vấn đề đặt ra là, mỗi khi chốt công tơ, ngành Điện yêu cầu khách hàng kiểm chứng để tránh sai sót nhầm lẫn. Nhưng để tránh hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến, giải pháp tối ưu là các gia đình nên sử dụng tiết kiệm điện...!
NGUYÊN LƯU