Chủ Nhật, 12/01/2025 03:04 SA
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng:
Tháo gỡ khó khăn để thị trường xứng với kỳ vọng
Thứ Năm, 09/07/2015 09:00 SA

Các nhà đầu tư tại Phú Yên theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh: M.ĐĂNG

Với mục tiêu trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế, trong 15 năm hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phần nào khẳng định được vai trò của mình với những đóng góp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để thị trường thực sự có quy mô đáp ứng được kỳ vọng của xã hội thì còn nhiều việc cần phải làm. Xoay quanh câu chuyện về sự phát triển của thị trường chứng khoán 15 năm qua, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng đã có những chia sẻ với báo chí.

 

* Ông đánh giá thế nào về hoạt động của thị trường chứng khoán trong 15 năm qua, thưa ông?

- Trải qua 15 năm hoạt động cho đến nay, thị trường chứng khoán nước ta đã vận hành an toàn, thông suốt, bảo đảm yêu cầu từng thời kỳ theo hướng ngày càng phát triển. Trong thời gian đầu mới đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán gặp nhiều khó khăn do các yếu tố thị trường trong nền kinh tế chưa được xác lập đồng bộ; sự hiểu biết của xã hội còn rất hạn chế. Có những lúc thị trường chứng khoán Việt Nam rất khó khăn nhưng đã vượt qua được và chưa lần nào bị đổ vỡ đến mức phải đóng cửa như một số nước trong khu vực. Nhiều hoạt động đã tăng khoảng vài trăm lần như mức vốn hóa tăng 580 lần, quy mô niêm yết tăng hơn 300 lần so với lúc mới đi vào hoạt động. Quy mô huy động vốn, giá trị giao dịch bình quân hiện nay đã tăng gấp 50 lần trong vòng 10 năm qua. Hệ thống các tổ chức trung gian, tổ chức giao dịch thị trường chứng khoán ngày càng hoàn thiện và phát triển. Các chuẩn mực về quản trị công ty, công bố thông tin đã từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế.

 

* Thưa ông, mục tiêu chung đặt ra cho thị trường chứng khoán là xây dựng một kênh huy động vốn trung và dài hạn để phát triển kinh tế đất nước và đến thời điểm này, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực sự đáp ứng được mục tiêu trên thưa ông?

 

- Trong 10 năm (kể từ năm 2005 đến nay), quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán đã đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tỉ lệ đã tương đương gần 60% so với cung tín dụng qua thị trường tiền tệ - tín dụng. Điều này đã cho thấy sự tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán và đang ngày càng trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tổng giá trị vốn huy động qua thị trường chứng khoán tới nay ước đạt 1,7 triệu tỉ đồng và huy động khoảng 15 tỉ USD vốn đầu tư gián tiếp. Thị trường chứng khoán đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho ngân sách Nhà nước và huy động vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

 

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán còn có các vai trò quan trọng khác. Một là, thị trường chứng khoán góp phần thúc đẩy công tác tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Hai là, thị trường chứng khoán hỗ trợ tái cơ cấu đầu tư công thông qua việc huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn vốn. Ba là, thị trường chứng khoán cũng hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng thương mại huy động được lượng vốn lớn qua phát hành cổ phiếu để đáp ứng yêu cầu tăng vốn điều lệ trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng thương mại. Từ 2005 đến nay, thông qua thị trường chứng khoán, các ngân hàng thương mại đại chúng đã huy động được hơn 252.000 tỉ đồng qua phát hành cổ phiếu. Thị trường chứng khoán đã giúp các ngân hàng thương mại tăng tổng vốn điều lệ từ 20.600 tỉ đồng lên 272.600 tỉ đồng. Bốn là, thị trường chứng khoán đã góp phần hỗ trợ xử lý sở hữu chéo và thiết lập các chuẩn mực mới về công tác quản trị doanh nghiệp và minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, mặc dù có sự tăng trưởng nhanh nhưng quy mô của thị trường chứng khoán vẫn còn nhỏ hơn so với cung tín dụng qua hệ thống ngân hàng. Quy mô huy động qua phát hành cổ phiếu còn thấp hơn so với thị trường trái phiếu.

 

* Nhìn lại chặng đường 15 năm hoạt động của thị trường, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước thì ông đánh giá thế nào về những quyết sách mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thực thi để vận hành thị trường và đâu là những vướng mắc cần tháo gỡ để những quyết sách thực sự mang lại hiệu quả cho thị trường chứng khoán?

 

- Một trong những quyết sách quan trọng nhất và đầu tiên là việc Bộ Chính trị, Chính phủ thông qua mô hình thị trường chứng khoán và chủ trương xây dựng thị trường chứng khoán ở Việt Nam. Đây là chủ trương rất đúng đắn nhằm tạo lập và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta. Trong đó, cơ quan quản lý được thành lập trước nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý, xây dựng thị trường bảo đảm cho thị trường hình thành và phát triển trong trật tự, tránh được tình trạng phát triển một cách tự phát và đổ vỡ như các nước. Quá trình phát triển thị trường chứng khoán đi từ thấp đến cao, trong đó có một số nội dung được tập trung triển khai ngay từ đầu, đó là vấn đề minh bạch công bố thông tin, vấn đề quản trị công ty và tự động hóa các khâu giao dịch, thanh toán. Công tác tái cấu trúc được triển khai một cách kiên định, đồng thời hướng tới việc mở rộng các sản phẩm mới, thị trường mới.

 

Các chính sách phát triển thị trường chứng khoán luôn gắn với thực tiễn và xu thế hội nhập, trải qua 3 giai đoạn:

 

+ Giai đoạn ban đầu (2000- 2005) với quy mô nhỏ và phát triển theo chiều rộng: các chính sách tập trung vào việc hình thành các yếu tố, các thành viên thị trường, khuyến khích sự tham gia thị trường chứng khoán với các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

 

+ Giai đoạn kết hợp giữa phát triển theo chiều rộng và theo chiều sâu (2006-2010): trong đó nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng hoạt động của thị trường tập trung trên một số mặt như tiêu chuẩn niêm yết, phát hành; công bố thông tin, quản trị công ty...

 

+ Giai đoạn nâng cao và tiếp cận từng bước các chuẩn mực quốc tế (từ năm 2011 đến nay): nhiều mặt hoạt động của thị trường được tái cấu trúc, tiếp cận theo thông lệ quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên đầy đủ của IOSCO, trong đó yêu cầu về quản trị công ty, công bố thông tin; an toàn tài chính đối với tổ chức trung gian, đào tạo... được nâng cao; hệ thống giao dịch, nghiệp vụ mới được triển khai và hiện nay đang tích cực triển khai thị trường chứng khoán phái sinh.

 

Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có những vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ nhằm hỗ trợ cho thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển:

 

Một là, các yếu tố thị trường trong nền kinh tế đã được xác lập nhưng chưa thực sự đồng bộ và còn cần tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung.

 

Hai là, trình độ quản trị chung trong nền kinh tế và quản trị công ty nói riêng của các doanh nghiệp đã có sự cải thiện nhưng chưa đạt được các chuẩn mực của khu vực quốc tế, vấn đề tuân thủ trong việc công bố thông tin, kế toán, kiểm toán còn chưa thực sự tốt, tiềm ẩn rủi ro.

 

Ba là, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc các tổ chức tài chính - ngân hàng; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đã được quan tâm triển khai nhưng chưa thực sự tiến tới mục tiêu thay đổi hoàn toàn về chất.

 

Bốn là, sự kết hợp giữa dòng vốn ngắn hạn và vốn dài hạn trên thị trường; giữa các chính sách quản lý trong các lĩnh vực khác nhau chưa chặt chẽ và thực sự hiệu quả như mong muốn.

 

* Thưa ông, để duy trì được sự ổn định và phát triển tốt hơn của thị trường trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có những giải pháp gì?

 

- Để tiếp tục duy trì được sự ổn định và phát triển tốt hơn của thị trường trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung vào những giải pháp sau:

 

Một là, tiếp tục hoàn thiện nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012/ NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, theo đó nhằm bảo đảm yêu cầu gắn quá trình cổ phần hóa với đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán nhằm minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư; đồng thời sửa đổi các quy định nhằm nâng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp theo cam kết WTO.

 

Hai là, tiếp tục triển khai các giải pháp khơi thông dòng vốn trong và ngoài nước như giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên bảng phân loại MSCI, quảng bá hình ảnh thị trường chứng khoán với nhà đầu tư quốc tế; nâng tỉ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại các doanh nghiệp niêm yết có sở hữu Nhà nước.

 

Ba là, triển khai các sản phẩm mới, thị trường mới, đặc biệt là thị trường chứng khoán phái sinh.

 

Bốn là, tiếp tục tích cực và hoàn thiện công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo đúng tiến độ và yêu cầu đặt ra.

 

Năm là, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, trong đó việc tăng thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong công tác thanh tra, giám sát, điều tra nhằm bảo vệ lợi ích nhà đầu tư và sự toàn vẹn của thị trường.

 

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek