Chủ tịch UBND tỉnh vừa phê duyệt đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ cấu ngành nông - lâm - thủy sản, gồm: trồng trọt đạt 38%, chăn nuôi 19%, dịch vụ nông nghiệp 4%, lâm nghiệp 2% và thủy sản 37% (chiếm khoảng 10 đến 10,5% trong GRDP của tỉnh); ổn định sản lượng lương thực có hạt bình quân hàng năm đạt từ 37 vạn tấn trở lên; giá trị sản phẩm thu được trên đơn vị 1ha đất trồng trọt đạt khoảng 110 triệu đồng (tăng 1,7 lần so với năm 2014); giá trị sản phẩm thu được trên đơn vị 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 1 tỉ đồng (tăng 1,7 lần so với năm 2014); thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng lên gấp 2,8 đến 3 lần so với năm 2010; tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội chiếm khoảng 40 đến 45%; nâng độ che phủ rừng đạt khoảng 45%; có từ 65% trở lên số xã đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới vào năm 2020.
Định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2020 là tái cơ cấu từng lĩnh vực được áp dụng xuyên suốt trên cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường theo các hướng cơ bản như: tăng tỉ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp trong cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp, trong trồng trọt ổn định sản lượng lương thực và phát triển loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Tập trung phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, có thị trường tiêu thụ ổn định trên cơ sở phát huy các lợi thế của từng địa phương; tăng nhanh sức cạnh tranh của các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, tạo ra các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung theo quy hoạch gắn với cơ sở chế biến, tiêu thụđáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Về chính sách hỗ trợ, tập trung áp dụng các quy định hiện hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh... trong đó Nhà nước tập trung hỗ trợ về quy hoạch sản xuất, về cơ sở hạ tầng đầu mối, về nghiên cứu khoa học, về phòng chống dịch bệnh, về tín dụng ưu đãi... các doanh nghiệp tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu...
Sau năm 2020 dự báo ngành Nông nghiệp tăng trưởng chủ yếu dựa vào ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, từng bước thay thế công nghệ thấp; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực. Trong đó, tỉ trọng nông nghiệp trong GRDP đạt mốc 10% vào năm 2022 và tiếp tục giảm vào các năm sau, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm khoảng 30% trong tổng lao động xã hội vào năm 2030.
Đề án đề ra một số giải pháp chủ yếu thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó tổ chức tuyên truyền và quán triệt đề án đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, nông ngư dân trong toàn tỉnh để triển khai thực hiện; phổ biến, triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả; tiếp tục xây dựng mới, rà soát điều chỉnh một số quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, có lợi thế địa phương, có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Bên cạnh đó, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa Nhà nước và tư nhân để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; tăng cường quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và phát triển các dịch vụ nông nghiệp; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực ngành.
(PYP)