Thứ Tư, 15/01/2025 05:59 SA
Bảo vệ rừng đầu nguồn để chống biến đổi khí hậu
Thứ Năm, 18/06/2015 07:56 SA

Phá rừng phòng hộ vùng giáp ranh giữa tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk - Ảnh: P.NAM

Những năm gần đây, hạn hán diễn ra gay gắt tại các địa phương trong tỉnh, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Vì vậy, việc điều tiết nguồn nước để sử dụng đa mục tiêu cho sinh hoạt, thủy điện, nông nghiệp… đang là vấn đề bức bách của các cấp, các ngành hiện nay.

 

RỪNG MẤT DẦN KHẢ NĂNG GIỮ NƯỚC

 

Phú Yên có nguồn nước mặt tương đối phong phú, nhưng do bề mặt địa hình bị phân cắt mạnh, các suối ngắn, hẹp và chỉ tồn tại theo mùa. Trong khi đó, tình trạng phá rừng tràn lan những năm trước đây, diễn biến thời tiết không tuân theo quy luật… là những nguyên nhân chính làm cho khả năng dẫn nước và trữ nước giảm đáng kể. Vào mùa nắng, các hồ chứa nước thường bị khô kiệt, nhiều sông suối khô cạn; tình trạng thiếu nước tại vùng sâu, vùng xa ngày càng nghiêm trọng.

 

Tại các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, biến đổi khí hậu đang diễn biến rất rõ nét, thể hiện qua việc lượng mưa giảm, nhiệt độ tăng cao... Ở huyện Sông Hinh, những năm gần đây, dòng chảy sông Hinh vào mùa khô suy giảm mạnh và biến đổi bất thường. Điển hình như mùa khô năm 2014, mực nước sông Hinh liên tục ở mức thấp nhất trong vòng 100 năm qua. Từ đầu năm đến nay, lượng mưa trên địa bàn huyện này không đáng kể, khiến nhiều diện tích đất sản xuất bị khô hạn, nứt nẻ. Ngoài sản xuất nông nghiệp, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân huyện Sông Hinh và các huyện miền núi cũng đang là bài toán nan giải cho các cấp, các ngành nhiều năm qua.

 

Theo những nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học, một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước trên các sông, suối ở Phú Yên cạn kiệt là do khai thác rừng phòng hộ đầu nguồn không được quản lý chặt chẽ, dẫn đến rừng ngày càng mất dần khả năng giữ nước và điều hòa không khí. Một bất cập hiện nay là nhiều khu rừng phòng hộ đầu nguồn đáng lẽ phải được trồng những loại cây thân gỗ lớn, tuổi thọ cao như sao, chò… nhưng lại trồng các loại cây như keo, bạch đàn. Khi rừng đến tuổi trưởng thành, thay vì trồng thay thế để duy trì độ che phủ, chống xói mòn, giữ nước, thì hầu hết lại khai thác trắng rồi mới trồng lại.

 

Trong thời gian chờ rừng trồng tái sinh, việc chống biến đổi khí hậu của rừng gần như mất tác dụng. Đó là chưa kể vào mùa mưa lũ, các loại cây keo, bạch đàn dễ bị gãy đổ, bật gốc, hiệu quả phòng hộ kém. Ngoài ra, rừng bị mất trắng ở Phú Yên còn do thay đổi mục đích sử dụng gần 5.000ha đất để xây dựng các công trình thủy điện, nhưng việc trồng lại rừng quá chậm; tình trạng chặt phá trái phép, đốt rừng làm rẫy tại các khu rừng phòng hộ đầu nguồn còn diễn ra phổ biến; thường xuyên xảy ra cháy rừng vào mùa khô, trong đó riêng năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ cháy rừng keo và bạch đàn trồng từ năm 2005 đến năm 2012 với tổng diện tích hơn 317ha (tăng 13 vụ so với năm 2013)...

 

ĐẨY MẠNH TRỒNG RỪNG

 

Phú Yên có tổng diện tích tự nhiên hơn 506.000ha; trong đó đất thuộc quy hoạch 3 loại rừng chiếm 249.783ha. Hiện chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn bị suy giảm, ngày càng mất dần diện tích với hàng trăm hecta mỗi năm đã tác động tiêu cực đến nguồn nước tự nhiên, dòng chảy các sông, suối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt và bồi lấp các cửa sông, cửa biển… Theo ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, cho biết: Phú Yên có địa hình khá phức tạp, tổng nhiệt rất cao, lượng mưa bình quân tương đối lớn, nhưng phân bố không đều về cả thời gian và địa điểm. Mùa mưa tập trung từ 70 đến 80% lượng mưa trong năm, thường gây lũ lụt, xói mòn; trong khi đó mùa nắng lại khô hạn kéo dài, phần lớn các con suối bị khô cạn, đến mức không có nguồn nước để dự trữ chữa cháy rừng. Vì vậy, ngoài tăng độ che phủ rừng, việc nâng cao chất lượng rừng bằng trồng các loại cây phù hợp, có khả năng giữ nước là hết sức quan trọng nhằm chống suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước.

 

Để giữ nguồn nước vô giá trong mùa khô, các chuyên gia khoa học cho rằng, tỉnh Phú Yên cần tăng cường tuyên truyền xóa bỏ tập quán đốt nương làm rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số, sắp xếp lại dân cư và bố trí lại sản xuất cho bà con. Đẩy mạnh hơn nữa việc trồng rừng, trong đó cần đôn đốc các chủ đầu tư dự án thủy điện sớm trồng lại diện tích rừng bị mất; khuyến khích người dân bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện mực nước tại các sông suối ở vùng miền núi Phú Yên đang xuống thấp. Từ nay đến cuối tháng 7/2015, khô hạn vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, hơn bao giờ hết, tỉnh cần xem xét, quản lý việc vận hành liên hồ chứa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ hơn; cần có kế hoạch sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả tài nguyên nước trong tình trạng hạn hán do biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

 

PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek