Sau các đợt tăng giá mạnh của xăng dầu trong tháng 5 vừa qua, các loại thực phẩm tại các chợ cũng đua nhau tăng giá. Trong đó, tăng mạnh nhất là các loại rau xanh, trái cây và thực phẩm tươi sống.
Tại các chợ, trong khoảng một tháng qua, giá các loại rau xanh tăng mạnh. Chị Nguyễn Thị Út, bán rau tại chợ phường 7, TP Tuy Hòa, chia sẻ: Trời nắng nóng nên nhu cầu sử dụng rau xanh tăng cao. Thêm vào đó, chi phí sản xuất như điện, xăng dầu đều bị “đội” lên đáng kể nên hầu hết các loại rau, củ quả đều tăng giá mạnh gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với trước đó. Rau xanh mùa này tuy đắt nhưng rất khan hiếm, tôi phải đặt tiền cọc, rồi thu mua tại vườn mới có đủ rau bán hàng ngày. Cụ thể, một số loại rau xanh tăng từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/kg. Rau dền từ 5.000 đồng lên 8.000 đồng/kg, rau muống 3.000 đồng/bó lên 4.000 đồng/bó, dưa leo 6.000 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg, khổ qua 12.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg. Mặc dù giá cao nhưng các loại rau xanh đều rất hút hàng, tôi chỉ bán từ sáng đến gần trưa là hết sạch.
Theo các tiểu thương, một nguyên nhân khác khiến giá rau xanh tăng mạnh là thời tiết nắng nóng khiến việc trồng rau ngày càng khó khăn. Chị Thu Lan, bán rau tại chợ Tân Hiệp, cho hay: “Nhà tôi còn một mảnh đất trống nên trồng rau để bán hàng ngày. Gần một tháng nay trời nắng nóng, rau không phát triển được”.
Không chỉ rau xanh, mà các loại trứng, thịt, cá cũng đang có chiều hướng tăng giá. Khảo sát giá tại các chợ truyền thống, chỉ trong một tháng mà giá trứng gia cầm tăng gần 5.000 đồng/chục; các loại thịt, cá cũng nhích giá lên từng ngày. Hiện trứng vịt 25.000 đồng đến 26.000 đồng/chục; trứng gà 22.000 đồng đến 23.000 đồng/chục, trứng gà ta 35.000 đồng đến 37.000 đồng/chục; thịt heo, thịt gà tăng 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg; cá thu, cá hố tăng 30.000 đồng đến 50.000 đồng/kg; tôm sú, tôm đất tăng 20.000 đồng đến 50.000 đồng/kg…
Bên cạnh thịt cá, rau củ thì trái cây cũng là một mặt hàng “đội” giá mạnh trong tháng qua. Chị Nguyễn Thị Bé, bán trái cây tại chợ Tuy Hòa, cho biết: Năm nay, hầu như các loại trái cây đều tăng giá từ 10 đến 20% so với những năm trước. Giá trái cây mua tại vườn đã cao, lại thêm chi phí vận chuyển tăng nên giá bán cũng phải tăng theo. Thêm vào đó, thời tiết nắng nóng, nhiều loại trái cây cũng hư hại, hao hụt nhiều nên chúng tôi phải tăng giá bán để bù lại số lượng hao hụt. Chị Ngô Thị Xuyên ở phường 9, TP Tuy Hòa, thì bảo: Thời tiết nắng nóng nên ngày nào tôi cũng mua thật nhiều rau củ, trái cây cho bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá rau xanh tăng mạnh. Trước kia, một bữa cơm thì tiền rau chỉ tốn vài nghìn đồng, nhưng nay muốn ăn rau củ phải tốn 10.000 đồng đến 20.000 đồng.
Trong khi các mặt hàng tươi sống ào ạt tăng giá thì tại các chợ truyền thống, một số hàng thực phẩm công nghệ như đường, dầu ăn, bột nêm, nước giải khát… cũng đang âm thầm tăng giá. Tuy mức tăng giá các nhóm hàng này khá nhẹ nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân và gây khó cho các tiểu thương. Bà Kiều Thị Nhân ở phường 9, TP Tuy Hòa, cho hay: Vừa qua, một số thực phẩm như sữa, nước yến “đứt” hàng mất một tuần, sau đó đột ngột tăng giá mà không báo trước khiến tiểu thương cũng “sốc”. Cụ thể, nước yến ngọt tăng từ 47.000 đồng lên 49.000 đồng/lốc; sữa Cô gái Hà Lan tăng 12.000 đồng/thùng; sữa chua lên men tăng 1.000 đồng/lốc; một số loại thực phẩm khác như đường, mắm, dầu ăn, bột ngọt, bột nêm, bánh kẹo, sữa bột… cũng tăng từ 5% đến 15%. Mặc dù mức tăng không nhiều, nhưng đang trong lúc bán buôn ế ẩm thì đợt tăng giá này khiến tiểu thương khó càng thêm khó.
Siêu thị Co.opMart vẫn bình ổn giá các mặt hàng Trong khi tại các chợ, cửa hàng bán lẻ đều có tình trạng tăng giá thì tại Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, giá các nhóm hàng thực phẩm vẫn khá ổn định. Mặc dù giá xăng dầu đã tác động mạnh đến giá tiêu dùng nhưng hệ thống SaigonCo.op vẫn chưa tăng giá bất kỳ mặt hàng nào theo giá xăng. Hệ thống yêu cầu mỗi ngành hàng phải kiểm soát hợp lý giá đầu vào, không để tình trạng tăng giá ồ ạt theo giá xăng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngược lại, trong thời gian này, siêu thị liên tục triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá mạnh từ 15% đến 25% đối với nhóm hàng thực phẩm; đồng thời luôn duy trì một lượng lớn hàng hóa để ổn định thị trường. Về lâu dài, khi các yếu tố đầu vào vẫn ở mức cao thì việc hàng hóa tăng giá là không tránh khỏi. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ kiểm soát, điều chỉnh mức tăng, thời gian tăng giá hợp lý để không gây ảnh hưởng nhiều đến người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Bích Ly, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa |
NGÔ XUÂN