Nâng cao năng lực cạnh tranh, đây là vấn đề rất nóng đối với doanh nghiệp hiện nay khi Việt Nam đã và sẽ tiếp tục ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước và tổ chức trên thế giới. Đây cũng là chủ đề của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm nay do Bộ KH-ĐT, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính quốc tế phối hợp tổ chức ngày 9/6, tại Hà Nội.
Diễn đàn do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ tọa. Đồng chủ tọa diễn đàn có Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh; Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới, bà Victoria Kwakwa; Giám đốc khu vực Mê Kông Tổ chức Tài chính quốc tế, ông Kyle F.Kelhofer.
Diễn đàn là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối DN tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Trải qua gần hai thập kỷ, VBF đã trở thành hoạt động thường niên và được coi là kênh đối thoại đem lại hiệu quả giữa Chính phủ và cộng đồng DN. VBF đã đồng hành với quá trình đổi mới thể chế và quản lý kinh tế của đất nước. Nhờ có sự đổi mới đó, cùng sự tự điều chỉnh vươn lên của DN, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của DN đã từng bước được nâng cao, việc thu hút FDI trở nên có hiệu quả hơn.
Cho rằng chủ đề của diễn đàn có ý nghĩa rất thiết thực, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến sâu, đề xuất, kiến nghị cụ thể của các nhóm nghiên cứu, tổ chức, hiệp hội trên tinh thần xây dựng, với mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực điều hành của Chính phủ, đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Ghi nhận các ý kiến đó, Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT tổng hợp, theo lĩnh vực quản lý, các bộ, ngành có hướng xử lý cụ thể.
Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của các nhà tài trợ, cộng đồng doanh nghiệp trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập sâu rộng của Việt Nam.
Trao đổi thêm về những kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng những kết quả đó chưa thực sự bền vững, tương xứng với tiềm năng lợi thế của Việt Nam. Việt Nam có thể làm tốt hơn, vững chắc, hiệu quả hơn nữa. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược là cải cách thể chế kinh tế thị trường, nền kinh tế Việt Nam phải vận hành đầy đủ theo quy luật và nguyên tắc thị trường, công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng; huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và chỉ đạo tốt hơn công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất.
Tái khẳng định các cam kết cải cách thủ tục hành chính đã đề ra trong Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Việt Nam cam kết đạt và vượt các chỉ tiêu, nhất là các cải cách về thuế, hải quan, thành lập doanh nghiệp, tinh thần là đến cuối năm 2015 ngang bằng với các nước trong nhóm ASEAN-6, hết năm 2016, nhiều mặt ngang bằng với nhóm nước ASEAN-4 và vượt trội hơn...
BTV (tổng hợp)