Nắng nóng, nhu cầu sử dụng quạt điện, máy điều hòa, tủ lạnh của người dân tăng cao. Nhờ vậy, dịch vụ sửa chữa những sản phẩm này cũng đông khách hơn.
Quạt điện, máy điều hòa, tủ lạnh là những thiết bị tối cần thiết cho sinh hoạt gia đình vào mùa nắng nóng. Khi các thiết bị này còn sử dụng được, chưa nhất thiết phải mua mới mà gặp hỏng hóc, người dân thường nghĩ ngay tới các dịch vụ sửa chữa. Chị Nguyễn Thị Diệu ở phường 9, TP Tuy Hòa đi lấy quạt vừa mới sửa tại cửa hàng cơ điện lạnh Quốc Hòa, cho biết: Cái quạt này tôi mua cách đây 2 năm. Bình thường nó vẫn chạy tốt, nhưng một tuần trước, cánh quạt không quay được nữa. Chồng tôi cũng đã lấy dụng cụ, mong có thể sửa được những lỗi đơn giản nhưng không thành công nên phải mang ra cửa hàng để thợ sửa. Lần trước sửa chỉ cần 2 ngày là nhận quạt về, lần này khách đông nên tôi phải chờ hết cả tuần mới thấy cửa hàng gọi lại lấy.
Nhu cầu sửa chữa các thiết bị này của người dân tăng cao, khiến nhiều cửa hàng sửa chữa hàng cơ điện lạnh phải tuyển thêm nhân viên mới. Ông Võ Thanh Tân, chủ cửa hàng cơ điện lạnh Tân Phát trên đường Nguyễn Tất Thành (phường 9), cho biết: “Từ đầu mùa hè đến nay, nhu cầu sửa chữa đối với máy điều hòa, tủ lạnh, máy quạt tăng từ 30% đến 50% so với trước. Không chỉ các hộ gia đình mà các công ty, xưởng sản xuất cũng có nhu cầu bảo trì, sửa chữa để tăng công suất máy. Cửa hàng của tôi, ngày thường chỉ duy trì hai thợ nhưng những ngày này tôi đã phải tuyển thêm ba người nữa”. Còn theo ông Phạm Thành Vinh ở cửa hàng cơ điện Vinh trên đường Lê Thành Phương (TP Tuy Hòa), để đáp ứng yêu cầu sửa chữa tăng cao của khách hàng vào mùa nóng, ngoài việc tăng thêm số lượng thợ, ông còn phải liên hệ với các cửa hàng khác để hỗ trợ qua lại những lúc kẹt thợ đi sửa, theo kiểu “cùng hội, cùng thuyền”. Đối với thiết bị quạt máy, khách hàng thường tự mang tới sửa. Còn máy lạnh, điều hòa thì nhân viên cửa hàng tới tận nhà sửa theo yêu cầu của khách. Cửa hàng của ông Vinh chủ yếu là khách hàng hộ gia đình với thiết bị đã hết hạn bảo hành.
Không có cửa hàng riêng nhưng nhờ có chuyên môn và kinh nghiệm trong nghề sửa chữa đồ điện lạnh nên nhiều người cũng kiếm được thu nhập khá với công việc này. Anh Nguyễn Hữu Huy ở phường 5 là nhân viên kỹ thuật máy cho một công ty, hưởng lương 3 triệu đồng/tháng. Ngoài giờ hành chính, anh Huy tranh thủ nhận sửa chữa thêm các đồ cơ điện lạnh cho hộ gia đình. “Những mùa khác, cả tháng chỉ có 2 đến 4 đơn đặt hàng; còn vào mùa hè, đặc biệt là những đợt nóng cao điểm như hiện nay, tôi nhận được 8 đến 10 đơn hàng. Mỗi tháng, nghề tay trái này cũng cho tôi thu nhập từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng/tháng”, anh Huy nói.
Ông Lê Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trường Tân Tiến trên đường Nguyễn Văn Linh (phường Phú Lâm), cho biết: Những lỗi thường gặp đối với dòng thiết bị tủ lạnh gồm máy có điện nhưng không chạy, làm lạnh kém, hơi lạnh tỏa ra mùi hôi khó chịu… Do những nguyên nhân cơ bản gồm bụi bám dày, rò rỉ gas, thiết bị hư hỏng… Tùy theo nguyên nhân và mức độ khó của việc hỏng hóc mà người thợ thu phí. Phí bao gồm tiền công đi lại, công sửa chữa, giá thiết bị thay thế. Nếu chỉ công thợ thì phí không đáng bao nhiêu chỉ từ vài chục ngàn đến không quá 300.000 đồng. Tùy theo từng phần việc để người thợ tính công, cụ thể như lau chùi, kiểm tra hệ thống ống dẫn, đo cao áp và thấp áp của máy lạnh, hệ thống quạt; kiểm tra tụ điện... giá từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/lần… Nếu khách hàng phải trả phí cao chủ yếu do thiết bị của khách cần thay thế linh kiện mới, như thay thế tụ điện quạt máy từ 75.000 đồng đến 100.000 đồng tùy theo kích cỡ, thay máy nén khí (block) của máy điều hòa có công suất 12.000 BTU/h có giá từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng tùy theo hãng sản xuất….
Cần bảo dưỡng định kỳ thiết bị điện cơ, điện lạnh
Để kéo dài tuổi thọ của thiết bị, hạn chế tối đa việc phải sửa chữa, thay mới tốn kém kinh phí cũng như giúp người dùng bảo vệ sức khỏe trong quá trình sử dụng, khách hàng cần bảo dưỡng thiết bị định kỳ khoảng 6 tháng/lần hoặc 3 tháng/lần, hạn chế việc máy hỏng mới mang đi sửa; không nên tăng công suất đột ngột và chạy hết công suất máy trong thời gian dài. Vệ sinh bụi thường xuyên, vừa giữ được tính thẩm mỹ của sản phẩm, vừa giúp hạn chế một số hỏng hóc cơ bản phải sửa chữa. Đối với máy điều hòa, không nên đặt máy phả thẳng hơi lạnh xuống đầu, gáy vì điều này gây hại cho hệ thần kinh; cần lắp máy sao cho hơi lạnh tỏa xuống người chếch một hướng 450…
Ông Lê Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trường Tân Tiến |
MINH DUYÊN