Trụ sở làm việc tạm bợ, phương tiện kỹ thuật yếu, trang thiết bị sản xuất thiếu và cũ kỹ… khiến hoạt động của các HTX gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với điều kiện thiếu vốn hoạt động như hiện nay, các HTX khó có thể giải quyết được vấn đề này trong thời gian ngắn.
TẠM BỢ VÀ CŨ KỸ
Mượn tạm nhà bỏ không của thôn, khu phố làm trụ sở làm việc là tình trạng chung của nhiều HTX hiện nay. Ông Nguyễn Văn Yên, Chủ nhiệm HTX Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), cho biết: Từ khi thành lập (năm 1997) đến nay, trụ sở HTX sử dụng là nhà trẻ cũ của thị trấn Củng Sơn. HTX không có vốn góp thành viên, hoạt động chỉ mang tính hỗ trợ kinh tế hộ trong sản xuất nông nghiệp nên doanh thu thấp, vốn tích lũy không có. Trong trường hợp bị thu hồi, HTX cũng không biết sẽ làm việc ở đâu. Nếu phải đi thuê nhà thì không đủ kinh phí duy trì. Còn xin đất, xây mới là viễn cảnh... quá xa vời!
Máy tính, tủ hồ sơ, bàn ghế… là những phương tiện tối cần thiết để duy trì hoạt động hành chính của bộ máy, nhưng không phải HTX nào cũng có đủ. Ông Thiều Quốc Hương, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Thạch (huyện Tuy An), cho hay: Bàn nghế, tủ hồ sơ tại HTX đã có từ vài chục năm nay, cũ kỹ và bị mọt đục. Hai tủ hồ sơ quá nhỏ, không đủ để lưu hết giấy tờ nên phải huy động thùng tôn, hộp bìa cát tông hoặc chồng tạm trên nóc tủ. HTX đã cố gắng mua sắm trang thiết bị nhưng không đủ kinh phí. Suốt thời gian dài, đơn vị rất cố gắng mới sắm được cái máy vi tính để làm báo cáo hàng tháng. Không có đủ phương tiện lưu trữ nên giấy tờ thất lạc, khiến nhiều hợp đồng kinh tế dở dang không còn đủ căn cứ để HTX thanh lý.
Không chỉ thiếu phương tiện để duy trì hoạt động hành chính, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh còn thiếu máy móc, trang thiết bị để làm dịch vụ phục vụ sản xuất cũng như các hoạt động kinh doanh. Điều này khiến các HTX dù có lực lượng thành viên đông đảo, tích cực sử dụng dịch vụ, nhưng đơn vị cũng chỉ là trung gian giữa người dân với tư nhân bên ngoài. Kết quả là công sức các HTX bỏ ra nhiều nhưng doanh thu mang lại quá thấp.
Chỉ có 30% các HTX đầu tư được trang thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động. Trong ảnh: HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Thành Tây, huyện Đông Hòa, làm việc bằng hệ thống máy tính - Ảnh: M.DUYÊN |
HOẠT ĐỘNG ĐÃ KHÓ LẠI CÀNG KHÓ
Toàn tỉnh có 193 HTX, thì hơn 100 HTX có dịch vụ cày đất, tuốt lúa… Nhưng chỉ khoảng 15 HTX có máy cày, máy tuốt, máy gặt… trực tiếp làm các dịch vụ này. Số HTX còn lại phải đứng ra thuê tư nhân bên ngoài. Các HTX thụ hưởng phần phí khuyến nông ít ỏi, còn tiền dịch vụ người dân trực tiếp trả cho chủ máy. Theo ông Nguyễn Hoàng Phố, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Ninh Tây (huyện Tuy An), từ hoạt động thực tế của đơn vị cho thấy, các HTX, đặc biệt các HTX dịch vụ nông nghiệp nếu không có trang thiết bị cần thiết để làm dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp thì không thể tạo ra doanh thu. Cụ thể, tại HTX Nông nghiệp An Ninh Tây, 5 năm trước cũng chỉ làm dịch vụ khuyến nông, đứng ra thuê máy về làm cho bà con. Toàn bộ tiền công chủ máy nhận, HTX chỉ kiếm được vài triệu đồng cả năm, không đủ để trả công cán bộ và duy trì hoạt động HTX. Từ khi HTX mạnh dạn đầu tư mua máy, bao tiêu toàn bộ các khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp, hàng năm thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Không có đủ trang thiết bị hoạt động, nhiều HTX đã phải “đứng bánh”. Tình trạng này rơi vào các HTX giao thông vận tải. Ông Nguyễn Lâm, nguyên Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Đồng Xuân (huyện Đồng Xuân), cho biết: Hiện HTX Dịch vụ vận tải Đồng Xuân không còn hoạt động, do HTX không có đủ trang thiết bị để thực hiện giám sát hành trình trong quá trình xe tham gia giao thông. Sau khi kiểm tra, Bộ GTVT đã yêu cầu Sở GTVT ngừng hoạt động của HTX. Mặc dù, Sở GTVT đã gia hạn để HTX củng cố trang thiết bị, nhưng do không có kinh phí nên HTX buộc phải dừng hoạt động.
Các HTX khó thoát ra nếu không được hỗ trợ
Hiện nay, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh có cơ sở hạ tầng yếu, trang thiết bị thiếu dẫn đến việc duy trì và phát triển hoạt động gặp nhiều khó khăn. Ngược lại, vì khó khăn nên các HTX không có kinh phí để đầu tư. Với cái vòng luẩn quẩn này, các HTX khó thoát ra nếu không được hỗ trợ từ các cấp, ngành liên quan. Để giải quyết vấn đề này, trước mắt các HTX có 2 sự hỗ trợ từ chương trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và thực hiện Nghị quyết 2261 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các HTX được mua máy móc làm dịch vụ với lãi suất ưu đãi; được hỗ trợ kinh phí để xây trụ sở, nhà xưởng, mua sắm thiết bị.
Ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh |
MINH DUYÊN