Năm 2015, các địa phương trong tỉnh đăng ký bê tông hóa 4.228 tuyến giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 702km, vượt 41% so với kế hoạch. UBND tỉnh đã thống nhất ưu tiên cho các xã miền núi thực hiện bê tông đủ số lượng đường giao thông đã đăng ký; các xã còn lại phải cắt giảm 30% số lượng.
NỖ LỰC BÊ TÔNG HÓA GIAO THÔNG NÔNG THÔN
Đến nay, các địa phương đã được cung ứng gần 13.000 tấn xi măng, thực hiện bê tông hóa 260 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 45km. Tính từ khi bắt đầu thực hiện đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn đến nay, toàn tỉnh đã có 5.424 tuyến giao thông nông thôn được bê tông hóa với tổng chiều dài hơn 946km, đạt 74% kế hoạch. |
Theo Sở GTVT, đầu năm 2015, toàn tỉnh đã đăng ký bê tông hóa 4.228 tuyến giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 702km. Trong đó, các huyện Tuy An, Tây Hòa, Phú Hòa và Đông Hòa vẫn là những địa phương đăng ký nhiều nhất.
Theo ông Trần Trọng Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, trong quá trình thực hiện chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, địa phương luôn đề cao vai trò của nhân dân với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra nên người dân tự quyết định cách thức đóng góp, cách tổ chức thi công, giám sát công trình… Nhờ vậy, bà con rất thỏa lòng và hưởng ứng mạnh mẽ. Sau hơn 2 năm triển khai đề án, hàng trăm tuyến đường ở huyện Tây Hòa đã được bê tông hóa, phát huy hiệu quả tích cực trong phục vụ đi lại, mua bán của người dân. Đến nay, huyện Tây Hòa đã thực hiện 1.145 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 89km và địa phương cũng tiếp tục đăng ký bê tông những tuyến còn lại. Ông Đoàn Văn Pháp ở xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa), cho biết: Thấy các xóm khác có đường bê tông sạch đẹp, mười mấy hộ dân chúng tôi cũng đóng góp làm đường bê tông từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Vì vậy, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã đăng ký danh sách lên xã. Vừa rồi, được Nhà nước hỗ trợ xi măng, mỗi hộ dân góp thêm 2 triệu đồng để cùng làm đường. Hiện bà con tập trung thi công với quyết tâm hết tuần này sẽ xong.
Tương tự, từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương ở TP Tuy Hòa cũng tập trung bê tông hóa giao thông nông thôn. Ông Lê Vĩnh Thành, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Tuy Hòa, cho biết: Năm 2015, địa phương sẽ bê tông hóa 116 tuyến đường với chiều dài hơn 18km. Trong đó, xã Bình Ngọc làm 5 tuyến dài hơn 0,6km, xã Bình Kiến thi công 30 tuyến dài hơn 4,4km, xã Hòa Kiến bê tông 44 tuyến dài gần 7km, xã An Phú làm 37 tuyến dài hơn 4,4km. Đến nay, các xã này chỉ mới được cấp hơn 338 tấn xi măng, thi công hoàn thành 27 tuyến đường với chiều dài hơn 2km. Trong đó, xã Bình Kiến có tốc độ bê tông hóa giao thông nhanh nhất. Từ đầu năm đến nay, toàn xã đã làm được 23 tuyến, dài gần 1,9km. Theo ông Nguyễn Chí Phương, Chủ tịch UBND xã Bình Kiến, từ nay đến cuối năm, nếu tỉnh cung ứng đủ lượng xi măng theo nhu cầu thì xã tiếp tục bê tông 15 tuyến đường dài hơn 1,1km.
ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CUNG CẤP XI MĂNG
Ông Nguyễn Lê Hoan, Trưởng phòng Hạ tầng giao thông Sở GTVT, cho hay: Theo kế hoạch của UBND tỉnh, năm 2015, Phú Yên sẽ bê tông hóa 500km đường, tương ứng với nhu cầu xi măng khoảng 84.000 tấn, tổng kinh phí hơn 225 tỉ đồng. Tuy nhiên, năm nay, các địa phương đã đăng ký bê tông hóa hơn 702km đường, vượt 41% so với kế hoạch. Vì vậy, lượng xi măng tương ứng để thực hiện đủ số tuyến đường này bị đội lên 114.858 tấn với khoảng 278 tỉ đồng, vượt hơn 53 tỉ đồng. Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương ở đồng bằng cắt giảm 30% số lượng đăng ký. Riêng các xã thuộc 3 huyện miền núi, vì tốc độ bê tông hóa giao thông nông thôn còn chậm nên được ưu tiên cho thực hiện tất cả các tuyến đường đã đăng ký. Theo đó, năm 2015, Phú Yên sẽ bê tông hóa 535km đường giao thông; trong đó 3 huyện Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân sẽ bê tông hóa hơn 106km đường.
Theo Sở GTVT, hiện các địa phương quyết tâm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông trong năm 2015. Tuy nhiên, tiến độ cung ứng xi măng chưa đáp ứng được nhu cầu. Nguyên nhân chính là do UBND tỉnh chưa bố trí được nguồn vốn để thanh toán cho các đơn vị cung ứng xi măng nên các đơn vị này cung cấp cầm chừng. Ngoài ra, giá cước vận chuyển xi măng từ cảng Vũng Rô đến các địa phương chưa được xác định cũng gây chậm trễ trong việc cung ứng xi măng cho các địa phương. Giải quyết vấn đề này, Sở GTVT đã làm việc với các đơn vị cung ứng xi măng, các đơn vị này cũng đã cam kết sẽ tăng tiến độ cung cấp xi măng, đảm bảo hoàn thành tiến độ bê tông giao thông nông thôn năm 2015.
THỦY TIÊN