Hiện dịch cúm gia cầm đang xuất hiện ở tỉnh Đắk Lắk. Đây là địa phương lân cận và thường xuyên có hoạt động mua bán động vật, sản phẩm động vật với Phú Yên, nên nguy cơ lây nhiễm dịch cúm gia cầm rất cao. Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh việc kiểm soát, ngăn ngừa, không để dịch bệnh lây lan vào tỉnh, ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết:
- Thời gian gần đây, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện rải rác ở một số tỉnh như Hà Nam, Vĩnh Long và Đắk Lắk với hai chủng vi rút gây bệnh gồm H5N1 và H5N6. Trong đó, chủng vi rút gây dịch cúm H5N6 mới xuất hiện mấy năm gần đây, có tính độc lực rất cao và có khả năng lây lan sang người nên rất nguy hiểm. Hiện tại, các ổ dịch này đều được xử lý nhanh, khống chế kịp thời và không lây lan thành dịch, nhưng nguy cơ phát sinh dịch mới vẫn còn rất cao.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh, tình hình dịch bệnh đang ổn định, không xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, heo tai xanh và lở mồm long móng trên gia súc. Các loại dịch bệnh khác như tụ huyết trùng, tả, thương hàn, gumboro… cũng đang được khống chế.
* Hiện dịch cúm gia cầm đang xảy ra ở tỉnh Đắk Lắk, vậy ngành Thú y đã làm gì để ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm và phát sinh trên đàn gia cầm của tỉnh?
- Vừa qua, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 2 hộ chăn nuôi ở tỉnh Đắk Lắk với chủng vi rút gây bệnh H5N1 và chưa thấy phát sinh thêm ổ dịch mới. Hiện nay, Chi cục Thú y tỉnh tiếp tục theo dõi tình hình, diễn biến của dịch cúm gia cầm của địa phương này. Trong trường hợp dịch cúm diễn biến xấu, phát sinh thêm ổ dịch và có dấu hiệu lây lan rộng, chi cục sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thành lập hai chốt kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên tuyến quốc lộ 29 tại các xã Ea Ly, Sông Hinh (huyện Sông Hinh), để kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm động vật từ tỉnh này, khống chế không cho mầm bệnh lây nhiễm vào tỉnh qua con đường này.
Chi cục cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc giết mổ, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn; tập trung chỉ đạo các trạm thú y huyện thường xuyên giám sát phát hiện sớm dịch bệnh, đặc biệt tại các ổ dịch cũ, các điểm giết mổ, mua bán, chăn nuôi động vật tập trung để kịp thời bao vây dập dịch không để lây lan rộng. Hiện tại, Chi cục Thú y tỉnh đã tổ chức 5 lớp tập huấn phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cho hệ thống thú y cơ sở bao gồm thú y xã, thôn và những người hành nghề thú y tự do của các huyện Tuy An, Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân và TX Sông Cầu. Đến nay, tất cả hệ thống thu y từ chi cục đến các trạm đều đã có kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm 2015.
* Hiện tỉ lệ tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm trong tỉnh ra sao? Trong trường hợp nào ngành Thú y lấy mẫu để xác định dịch cúm gia cầm, thưa ông?
- Năm nay, Chi cục Thú y tỉnh triển khai tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm từ tháng 3/2015. Đến nay, toàn tỉnh chỉ tiêm được khoảng 500.000 liều, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 300.000 liều. Nguyên nhân là do năm nay mùa dịch cúm đến chậm hơn, bà con còn chủ quan với dịch bệnh.
Qua kiểm tra nếu phát hiện gia cầm ốm, chết có các triệu chứng lâm sàng như bỏ ăn, sốt cao, thở hổn hển, cụ rụ, chết nhiều và có các triệu chứng bệnh tích như ruột và cổ loét… cán bộ thú y sẽ lấy mẫu bệnh phẩm gửi cơ quan thú y vùng IV để xét nghiệm, xác định bệnh cúm gia cầm.
* Vậy người chăn nuôi cần làm gì để phòng ngừa hiệu quả dịch cúm gia cầm cũng như các loại dịch bệnh khác phát sinh gây hại?
- Thời tiết nắng nóng như hiện nay là môi trường thuận lợi để nhiều loại dịch bệnh phát sinh. Trong đó, mạnh nhất là ở nhóm dịch bệnh liên quan đến đường hô hấp và nhóm bệnh do vi rút gây ra. Cụ thể như cúm gia cầm, lở mồm long móng, heo tai xanh, tả vịt, niu cát xơn…
Để phòng dịch bệnh hiệu quả, người chăn nuôi cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ, đúng liều và đúng lịch các loại vắc xin theo quy định. Tăng cường bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, thức ăn thô xanh... để nâng sức đề kháng giúp vật nuôi có khả năng chống chọi với vi rút gây bệnh. Người chăn nuôi cần chú ý dọn vệ sinh, phun thuốc sát trùng môi trường định kỳ 2 lần/tuần; riêng các khu vực có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh thì thực hiện phun tiêu độc 2 ngày/lần.
* Xin cảm ơn ông!
TUYẾT HƯƠNG