Lâu nay, diêm dân Sông Cầu - vốn tự bươn chải trong khó khăn - luôn chờ đợi, hy vọng những dự án góp phần hỗ trợ cho vùng sản xuất muối tập trung. Thế nhưng, dự án xây dựng Xí nghiệp chế biến muối - một phần của chương trình qui hoạch sản xuất, chế biến, lưu thông muối - đã khó trở thành hiện thực khi chủ đầu tư xin rút và dự án này tiếp tục bị “treo”.
Sản xuất muối ở Sông Cầu - Ảnh: D.T.X
Vùng sản xuất muối tập trung rộng 176 ha của Sông Cầu nằm trên địa bàn hai xã Xuân Phương, Xuân Bình với sản lượng hàng năm từ 11.300 tấn đến 17.000 tấn. Tuy sản lượng ít nhưng hạt muối ở Sông Cầu chắc, trắng tinh, chất lượng đạt yêu cầu tiêu chuẩn Việt Nam, trong đó lượng Natri clorua (NaCl) đạt 97%, tạp chất không tan đạt 0,24%. Thế nhưng, từ bao lâu nay vùng muối Sông Cầu chưa được Nhà nước quan tâm đầu tư, diêm dân vẫn sản xuất theo tập quán truyền thống là phơi nước; công cụ sản xuất còn thủ công và hoàn toàn bị tư thương chi phối trong khâu lưu thông nên giá muối chỉ từ 170 đồng đến 250 đồng/kg, lúc nào được giá thì lên 400 đồng/kg nên gần 570 hộ sống dựa vào nghề này chỉ thu nhập bình quân đầu người không quá 200.000 đồng/tháng.
Từ năm 2004, tỉnh Phú Yên đã lập qui hoạch sản xuất, chế biến và lưu thông muối đến năm 2010 với tổng nhu cầu vốn gần 51 tỉ đồng. Theo đó, đồng muối sẽ được mở rộng lên 250 ha, đầu tư 11 tỉ đồng xây dựng xí nghiệp chế biến, đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng muối gần 21,5 tỉ đồng và đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ cho diêm dân 1,3 tỉ đồng… Tuy vậy, cho đến nay qui hoạch trên vẫn chỉ là qui hoạch… treo và diêm dân vẫn phải tự bươn chải.
Sản xuất muối ở Sông Cầu - Ảnh: D.T.X
Tháng 7/2005, Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn Phú Yên có tờ trình lên UBND tỉnh xin lập dự án nâng cấp, cải tạo đê bao ngăn xả lũ cho vùng muối ở hai xã Xuân Bình, Xuân Phương nhưng chưa được phê duyệt vì lý do trong hai năm 2006-2007 Trung ương chưa cân đối nguồn vốn cho dự án này, còn ngân sách tỉnh thì…. không thể cân đối vốn. Đối với dự án xí nghiệp chế biến muối I-ốt cũng đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt ngày 30/3/2005 có tổng mức đầu tư 4,286 tỉ đồng với năng lực 6.000 tấn/năm và giao cho Công ty thương mại- miền núi Phú Yên thực hiện. Sau đó hơn một tuần lễ, ngày 8/4/2005 UBND tỉnh Phú Yên ra Thông báo số 287/TB-UB về lộ trình sắp xếp cổ phần hoá đối với Công ty Thương mại - Miền núi Phú Yên nên cho đến nay dự án về xí nghiệp muối vẫn còn nằm trên giấy.
Sản lượng muối tăng nhưng diêm dân thu nhập thấp Đến nay, diêm dân huyện Sông Cầu đã thu sản lượng 8.000 tấn muối hạt, tăng gần 40% so cùng vụ năm trước. Tuy sản xuất được mùa, nhưng giá bán muối lại hạ thấp, hiện chỉ 200.000 đ/tấn bán tại ruộng, giảm 160.000 đ/tấn so với hồi đầu vụ, cộng với việc sản phẩm tiêu thụ chậm đã khiến cho thu nhập của diêm dân khá bấp bênh. THANH HIỀN
Trước sự bức xúc của cử tri nên tại phiên họp thường kỳ của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên diễn ra hồi cuối năm 2006, Sở Kế hoạch - Đầu tư và Công ty Cổ phần Thương mại - Miền núi Phú Yên đã có văn bản giải trình sẽ xây dựng xí nghiệp chế biến muối vào quí 3 năm nay nhưng mấy tháng nay dự án vẫn chưa rục rịch, vẫn chưa có quyết định thu hồi đất, chưa thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, trong khi hoạt động của Công ty cổ phần thương mại- miền núi Phú Yên vẫn chưa ổn định, vốn quá khó khăn. Và ngày 9/5/2007 lãnh đạo Công ty Cổ phần Thương mại- Miền núi Phú Yên đã có tờ trình lên Sở Kế hoạch - Đầu tư, UBND huyện Sông Cầu và UBND tỉnh Phú Yên xin rút dự án này…
Như vậy, dự án một xí nghiệp chế biến muối dự định khởi công vào quí 3/2007 chắc chắn sẽ khó trở thành hiện thực. Với một dự án nhỏ như vậy mà bao nhiêu năm không thực hiện được thì không biết đến bao giờ diêm dân Sông Cầu mới thoát khỏi cảnh nghèo?
THẾ LẬP