Theo quy định của Bộ Tài chính, từ ngày 20/4/2015, 50 sản phẩm sữa của 5 nhà cung cấp sẽ giảm giá từ 0,4 đến 4%. Tuy nhiên, hiện các đại lý sữa đều cho biết chưa nhận được thông báo giảm giá từ các hãng sản xuất. Thay vào đó, một số hãng sữa còn “lách” luật, tăng giá với nhiều lý do khác nhau, gây khó khăn cho các đại lý kinh doanh sữa và khiến người tiêu dùng thêm bức xúc.
GÂY KHÓ CHO ĐẠI LÝ
Tại TP Tuy Hòa, mặc dù quy định giảm giá sữa từ ngày 20/4 nhưng hầu hết các sản phẩm sữa đều chưa giảm giá. Thay vào đó, một số dòng sữa còn tăng giá bán với nhiều chiêu thức, lý do khác nhau… Đơn cử, nhà sản xuất Abbot vừa thông báo tăng giá sữa dòng sản phẩm Similac IQ3 từ 405.000 lên 438.000 đồng/hộp 900gram. Hãng sữa này cũng có thông tin sẽ tăng giá dòng sữa Grow cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi. Sữa nước Cô gái Hà Lan sau khi thay đổi mẫu mã cũng tăng giá thêm 12.000 đồng/thùng lớn và 5.000 đồng/thùng nhỏ. Hãng Vinamilk thì thay đổi mẫu mã dòng sữa Optimum, đồng thời bổ sung thêm 3 loại dưỡng chất mới cho tất cả các lứa tuổi, giá cũng tăng khoảng 5.000 đồng/hộp 900gram; sản phẩm sữa chua uống men sống probi tăng 1.000 đồng/lốc.
Một chiêu thức khác được các hãng sữa áp dụng triệt để là thay đổi mẫu mã, bao bì, phân chia lại độ tuổi dành cho trẻ để tăng giá bán. Trước kia hầu hết các loại sữa đều phân theo các độ tuổi: 0-6 tháng; 6-12 tháng; 1-3 tuổi thì nay được cơ cấu lại thành 0-6 tháng, 6-12 tháng; 1-2 tuổi và 2-4 tuổi. Và tùy theo độ tuổi, giá sữa mới sẽ tăng từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng… Điều này làm cho nhiều đại lý sữa “đau đầu”.
Chị Nguyễn Thị Hòa, chủ đại lý sữa Phương Hòa (phường 8, TP Tuy Hòa), cho biết: Trước đây, mỗi lon sữa đều được nhà sản xuất chiết khấu để đại lý bán theo giá đề xuất của hãng. Nhưng để cạnh tranh, hầu hết các đại lý đều bán giá thấp hơn giá đề xuất. Tuy nhiên, khi có quy định giảm giá sữa, một số nhà sản xuất cắt giảm chiết khấu nên đại lý phải bán theo giá đề xuất. Thông tin bên ngoài là giá sữa giảm, nhưng thực chất bên trong không hề giảm, thậm chí là tăng hơn trước. Như vậy, nhà sản xuất đã đẩy phần khó cho các đại lý.
Bên cạnh đó, một số hãng sữa chỉ giảm giá “lấy lệ” như hãng sữa Enfa A+ giảm 6.000 đồng/hộp 900 gram đối với dòng Enfamilk cho trẻ dưới 1 tuổi. Hãng sữa Vinamilk không giảm giá trực tiếp mà áp dụng chính sách hỗ trợ giảm 8 đến 10% giá một số loại sữa đối với những đại lý lấy đơn hàng lớn. “Mặc dù vẫn bán hàng với giá giảm nhưng đại lý không dám thông báo với khách là giảm giá sữa, vì tôi cũng không biết hết đợt này, nhà sản xuất có tiếp tục hỗ trợ giá hay không, đành phải vừa bán vừa chờ đợi...”, anh Lê Văn Vũ, chủ một cửa hàng sữa ở phường 8 (TP Tuy Hòa), cho biết.
NGƯỜI TIÊU DÙNG THẤT VỌNG
Thông tin giảm giá sữa từ 0,4 đến 4% khiến nhiều người tiêu dùng thêm thất vọng. Chị Ngô Thảo Hương ở phường 9 (TP Tuy Hòa) nói: “Chi phí quảng cáo sữa được công bố là chiếm 20 đến 30% giá thành sữa bán ra thị trường. Vậy mà khi Nhà nước không cho các hãng sữa quảng cáo để hạ giá thành sữa thì giá sữa công bố chỉ giảm từ 0,4 đến 4% là quá vô lý. Mỗi lon sữa chỉ giảm vài nghìn đồng thì chẳng đáng là gì, thà không giảm còn hơn”.
Bức xúc hơn, chị Đoàn Thị Kim ở phường 7 (TP Tuy Hòa), phản ánh: “Tôi chưa thấy sữa giảm giá, mà chỉ thấy sữa tăng giá thôi. Tôi vừa mua hộp sữa Similac của một đại lý quen và được thông báo sắp tới dòng sữa này sẽ tăng giá, tôi phải tranh thủ mua thêm vài hộp để dự trữ. Giá sữa liên tục tăng, có lẽ tôi phải cân nhắc đổi loại sữa thấp tiền hơn mới đảm bảo chi tiêu trong gia đình”.
Theo Sở Tài chính, các tổ chức, cá nhân kinh doanh sỉ tại thị trường Phú Yên đều là chi nhánh, đại lý hưởng hoa hồng, không có quyền quyết định giá. Qua kiểm tra, các đại lý này đều chấp hành tốt việc thông báo giá cho sở theo quy định. Trên thực tế, giá bán của các đại lý niêm yết đều thấp hơn giá bán theo đăng ký của nhà sản xuất.
NGÔ XUÂN