Từ giữa tháng 2/2015, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã triển khai kết nối các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng đặc sản địa phương. Hoạt động này nhằm phát triển hệ thống các điểm trưng bày, quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại các cửa hàng xăng dầu, trạm dừng chân, khu du lịch dọc quốc lộ 1 và khu vực gành Đá Đĩa.
KẾT NỐI DOANH NGHIỆP
Toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp tham gia kết nối, gồm các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và các điểm kinh doanh xăng dầu, trạm dừng chân dọc quốc lộ 1. Ông Nguyễn Hồng Lạc, Trưởng phòng Kinh doanh DNTN Trang Thủy (TP Tuy Hòa), cho biết: Trước kia, chúng tôi cũng đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, các điểm dừng chân dọc quốc lộ 1 nhưng chỉ mới tiếp cận được một đối tác. Còn những cửa hàng khác chủ yếu vẫn bán đặc sản của nơi khác, hàng sản xuất tại Phú Yên vẫn chưa có chỗ đứng. Còn theo bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc DNTN Hà Trung (huyện Sơn Hòa) thì doanh nghiệp đang có nhu cầu khai thác thị trường dọc quốc lộ 1 để phục vụ khách du lịch nhưng vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu. “Cơ quan chức năng cần đứng ra kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho cả đôi bên. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi sẵn sàng trang bị tủ cấp đông để bảo quản sản phẩm cho điểm trưng bày. Nhưng bên bán hàng cũng phải chú trọng đầu tư điểm trưng bày thật quy mô, ấn tượng mới “kéo chân” được khách vãng lai vào xem và mua hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần bố trí nhân viên chuyên bán hàng, giới thiệu sản phẩm để khách biết đến hàng đặc sản của Phú Yên”, bà Hà nói.
Trong khi các cơ sở sản xuất đều rất “khát” các điểm bán hàng thì một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, dịch vụ du lịch cũng đang rất cần đặc sản địa phương để bày bán tại các điểm du lịch, trạm dừng chân nhưng chưa tìm được đối tác. Sản phẩm bày bán trong các điểm này chủ yếu là đặc sản của các tỉnh lân cận như Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi… Ông Võ Ngọc Hải, quản lý nhà hàng Bãi Tiên (TX Sông Cầu), cho biết: Vào những ngày lễ, mỗi ngày nhà hàng đón tiếp khoảng 1.000 khách du lịch, nhu cầu mua đặc sản rất lớn. Chúng tôi đã thiết kế khu bán hàng đặc sản, lưu niệm phục vụ du khách nhưng do không có điều kiện tiếp xúc với doanh nghiệp địa phương nên nhà hàng chủ yếu lấy đặc sản của Bình Định về bán, sức tiêu thụ rất tốt. Thế nhưng, nhiều du khách vẫn thường hỏi thăm và muốn mua đặc sản Phú Yên làm quà. Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện về vị trí trưng bày, nhân viên giới thiệu… để quảng bá đặc sản địa phương. Tuy nhiên, ngoài chất lượng, các cơ sở sản xuất của địa phương phải chú trọng về mẫu mã, bao bì và giá cả mới cạnh tranh được với các sản phẩm của địa phương khác.
HỖ TRỢ DU LỊCH
Sau hơn 3 tháng triển khai, mô hình kết nối doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hàng đặc sản bước đầu phát huy được hiệu quả quảng bá đặc sản địa phương. Phần lớn đặc sản được đưa lên kệ hàng của các điểm kinh doanh xăng dầu, trạm dừng chân dọc quốc lộ. Tại trạm dừng chân Astop, TX Sông Cầu, ngoài 9 nhóm hàng đặc sản được giới thiệu, cửa hàng còn sưu tầm thêm nhiều đặc sản của địa phương như cá, mực khô, mắm ruốc… để làm phong phú thêm nguồn hàng. Nhờ vậy, doanh thu của cửa hàng rất khá. Dịp lễ tết, riêng hàng địa phương đạt doanh thu trên 50 triệu đồng/tháng. Chị Hồ Thị Mai Sương, phụ trách cửa hàng đặc sản của trạm dừng chân Astop, cho biết: Khách du lịch vào đây thường hỏi thăm đặc sản Phú Yên. Tuy nhiên, du khách chỉ chuộng những sản phẩm giá vừa phải; mẫu mã, bao bì ấn tượng, nhỏ gọn và phải có chữ “đặc sản Phú Yên”. Nhận thấy mô hình này khá hiệu quả, sắp tới, doanh nghiệp sẽ mở thêm một cửa hàng trưng bày hàng đặc sản địa phương tại cây xăng để phục vụ xe khách vào đổ xăng, nghỉ chân. Ngoài những mặt hàng sẵn có, chúng tôi đang sưu tầm thêm các sản phẩm mới để đưa vào cửa hàng này phục vụ du khách.
Anh Lê Tấn An, chủ DNTN Tấn An, chia sẻ: Thắng cảnh gành Đá Đĩa là một điểm du lịch nổi tiếng, được nhiều du khách ghé thăm nhưng các dịch vụ, hàng lưu niệm hầu như chưa có gì. Được sự khuyến khích của Sở Công thương, tôi vừa đầu tư gần 100 triệu đồng mở một cửa hàng bán hàng đặc sản Phú Yên tại khu thắng cảnh này, với diện tích hơn 50m2. “Cửa hàng sẽ hoạt động như một siêu thị mini hiện đại với đầy đủ các loại đặc sản địa phương, hàng lưu niệm, bánh kẹo, nước giải khát… để phục vụ du khách khi tham quan thắng cảnh gành Đá Đĩa. Cùng với đặc sản do Sở Công thương giới thiệu, tôi sẽ tiếp tục sưu tầm thêm các loại đặc sản, hàng lưu niệm của địa phương để làm phong phú nguồn hàng. Các công đoạn đã hoàn thiện, hàng hóa cũng đã tập kết đầy đủ, sẵn sàng phục vụ khách du lịch trong kỳ nghỉ lễ 30/4.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó giám đốc Sở Công thương, ngoài nhiệm vụ là cầu nối giữa các bên liên quan, đơn vị này cũng hỗ trợ các doanh nghiệp 50 triệu đồng để trang bị hộp đèn quảng cáo cho các điểm trưng bày, trong đó có logo, hình ảnh các sản phẩm, doanh nghiệp sản xuất đặc sản của Phú Yên. Bước đầu, mô hình này đã có kết quả khả quan, vừa có tác dụng giới thiệu, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của Phú Yên, vừa tạo thêm một dịch vụ hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh nhà.
NGÔ XUÂN