Thứ Hai, 20/01/2025 17:23 CH
Niên vụ sắn 2015-2016:
Lo rệp sáp bột hồng gây hại
Thứ Năm, 23/04/2015 09:41 SA

Ngành Bảo vệ thực vật điều tra sắn bị nhiễm bệnh rệp sáp bột hồng tại xã An Hải (huyện Tuy An) - Ảnh: H.NAM

Hiện nay, rệp sáp bột hồng xuất hiện lây lan nhanh, gây hại cây sắn trồng tại các xã Xuân Quang 3, Xuân Sơn Nam và Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân). Do tính chất nguy hiểm của loại rệp này, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên phải triển khai các biện pháp ngăn chặn. 

 

Từ niên vụ sắn 2014-2015, rệp sáp bột hồng đã xuất hiện gây hại sắn ở xã Xuân Quang 1, Xuân Lãnh. Đến niên vụ sắn 2015-2016, rệp sáp bột hồng lây lan ra các vùng trồng sắn của xã Xuân Quang 3, Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân). Điều đáng lo là hiện nay rệp sáp bột hồng xuất hiện vào thời điểm sắn còn non và vào mùa nắng. Ông Bùi Văn Tứ, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Đồng Xuân, cho biết: Năm ngoái, tại các xã Xuân Quang 1, Xuân Lãnh, rệp sáp bột hồng xuất hiện gây hại cuối tháng 9; lúc đó đang bước vào mùa mưa, mà đặc điểm của rệp sáp bột hồng là mùa mưa chúng tự chết. Còn hiện nay, chúng xuất hiện đầu mùa nắng nên khả năng lây lan nhanh. Hơn nữa, năm ngoái thời điểm đó sắn đã cho củ, còn năm nay sắn non nên khả năng mất năng suất rất lớn. Tại vùng trồng sắn bị rệp sáp bột hồng gây hại ở thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3), cây sắn trồng 3 tháng tuổi nhưng cao không quá 3 gang tay người lớn. Ông Huỳnh Văn Dùm, nông dân ở thôn Thạnh Đức có 4 sào sắn bị rệp sáp bột hồng gây hại, cho hay: Ban đầu lá sắn bị xoăn đọt, cứ nghĩ bị rầy nên gia đình phun thuốc nhiều lần nhưng sắn vẫn bị vàng lá, không phát triển được. 

 

Sự xuất hiện của rệp sáp bột hồng thực sự nguy hiểm đối với các vùng trồng sắn trong tỉnh, do chúng lây lan chủ yếu qua đường hom giống, các dụng cụ canh tác và gió. Khi sắn bị rệp sáp bột hồng gây hại hầu hết không cho năng suất, người trồng sắn thiệt hại lớn về kinh tế. Trước đó, trung tuần tháng 9/2014, xã An Hải (huyện Tuy An) là nơi rệp sáp bột hồng xuất hiện đầu tiên. Bà Nguyễn Thị Xin ở xã An Hải trồng 4 sào sắn bị rệp sáp bột hồng gây hại, cho hay: “Mấy năm trước, đến mùa thu hoạch sắn, tôi được 12 triệu đồng. Năm rồi, sắn bị nhổ, đốt và tiêu hủy toàn bộ nên tôi trắng tay. Vùng này có đến 15ha sắn bị thất thu như vậy. Theo tính toán của nhiều người trồng sắn, đến vụ thu hoạch, sau khi trừ chi phí, người trồng sắn lãi 20 đến 25 triệu đồng/ha (tùy theo trồng ở vùng đất gò đồi hay triền soi). Như vậy chỉ riêng vùng trồng sắn ở xã An Hải bị rệp sáp bột hồng gây hại, người trồng sắn bị thiệt trên 300 triệu đồng. 

 

Để ngăn chặn rệp sáp bột hồng gây hại, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên đã tập huấn trang bị kiến thức cho nông dân trồng sắn. Thạc sĩ Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, cho biết, thông qua các lớp tập huấn, ngành Bảo vệ thực vật tuyên truyền để người trồng sắn biết về khả năng lây lan, gây hại của rệp sáp bột hồng, các biện pháp phòng trừ. Cơ quan bảo vệ thực vật phối hợp với UBND các xã vận động nhân dân không vận chuyển hom giống sắn từ khu vực đã bị nhiễm rệp sáp bột hồng đến các vùng khác. Khi sắn đã bị rệp sáp bột hồng gây hại thì tiến hành tiêu hủy nhằm cắt đứt nguồn lây lan sang diện rộng, đặc biệt là không sử dụng cây sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng làm giống trong vụ trồng mới. 

 

Thạc sĩ Mạnh cho biết thêm, nông dân khi làm đất trồng sắn cần phải triệt để tàn dư cây sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng và cây ký chủ phụ. Người trồng nên chọn hom giống không bị nhiễm rệp sáp bột hồng để trồng và phải xử lý hom giống trước khi trồng. Người trồng phải chăm sóc tốt để cây sắn phát triển nhanh, tăng sức chống chịu dịch hại. Trồng sắn với mật độ hợp lý, bón phân đầy đủ, cân đối để cây sắn phát triển khỏe mạnh tăng khả năng chống chịu rệp. Người trồng thường xuyên vệ sinh ruộng sắn, diệt sạch cỏ dại, cây ký chủ phụ để rệp không có nơi cư trú, đồng thời luân canh cây sắn với các cây trồng khác như đậu, lúa nước… để giảm nguy cơ xuất hiện rệp sáp bột hồng. Khi phát hiện rệp sáp bột hồng hại sắn trên đồng ruộng trong điều kiện thời tiết khô, nắng nóng, một số thiên địch trên đồng ruộng thấp thì phải phun trừ rệp sáp bột hồng trên diện tích sắn bị nhiễm và diện tích liền kề bao quanh trong phạm vi tối thiểu 30m bằng các thuốc trừ sâu gốc Thiamethoxam, sử dụng theo nồng độ khuyến cáo và phun với lượng dung dịch nước thuốc đã pha là 600 lít/ha, phun theo nguyên tắc 4 đúng. 

 

LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek