Trong những ngày này, người cào ốc ruốc ở phường 9 (TP Tuy Hòa) tiếp tục được mùa được giá thu nhập bình quân từ 400.000 đến 800.000 đồng/người/ngày.
Dọc bờ biển từ phường 7 đến Long Thủy (TP Tuy Hòa), mỗi ngày có khoảng vài chục người cào ruốc theo từng tốp 7 đến 10 người. Họ dầm mình, dúi que cào xuống nước ở mức trên đầu gối, có chỗ sâu tới lưng quần, hoặc ngực. Sau những nhát cào, nhát nào thưa cũng được vài ba ký, nhát trúng đậm thì được7-10kg. Trung bình mỗi người có thể cào được khoảng 50 – 100kg/một buổi. Theo nhiều người dân, mùa ốc ruốc ở khu vực này chỉ kéo dài trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 5 âm lịch, những tháng còn lại khai thác các vùng biển khác.
Sau khi khai thác về, người cào bán lại cho các thương lái với giá từ 6.000 đến 8000 đồng/kg số còn lại thì tự chế biến rồi bỏ mối cho các điểm bán lẻ trong tỉnh với giá từ 11.000 đến 13.000 đồng/kg. Được mùa ốc ruốc giúp bà con có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Ốc ruốc là một loại ốc biển rất nhỏ, nhiều màu sắc, chỉ bằng đầu đũa, có con màu ruốc, con lấm chấm màu gạch. Sau khi chế biến ốc ruốc là món ăn dân dã được trẻ nhỏ và các cô, các bà ưa thích dù phải mất nhiều thời gian.
Dưới đây là một số hình ảnh người dân đang khai thác ốc ruốc tại dọc bờ biển phường 9.
Dụng cụ cào ốc ruốc được chế biến đơn giản bằng tre và lưỡi cào bằng sắt phía sau là lưới, giống hệt như chiếc cào hến, cào nghêu. Trong ảnh: Người dân cào ốc ruốc phường 9, TP Tuy Hòa đang đợi nước xuống để đi cào. |
Vì số người khai thác ốc ruốc nhiều nên những chỗ nhiều ốc, nước tới ngực cũng có người cào. |
Anh Nguyễn Còn, Khu phố Ninh Tịnh 2 (phường 9, TP Tuy Hòa) là người cào ốc ruốc lâu năm và giỏi nhất trong nhóm, trung bình một ngày anh kiếm được hơn 500.000đ |
Ông Nguyễn Sang (65 tuổi), tuy lớn tuổi nhưng hàng ngày vẫn ngâm mình dưới nước để khai thác ốc ruốc. |
Ốc ruốc với nhiều màu sắc sau khi cào đưa lên bờ, bỏ vào bao |
NGỌC THẮNG