Để đạt mục tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCN) cho 24.685 thửa đất với diện tích hơn 7.940ha trong năm 2015, Phú Yên đã triển khai nhiều giải pháp; trong đó có công tác tư vấn pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách.
NHỮNG VƯỚNG MẮC
Năm 2014, toàn tỉnh đạt 42,6% kế hoạch cấp GCN, nâng tổng số GCN được cấp từ trước đến nay lên 492.685 giấy, diện tích 334.056ha, đạt 94% diện tích cần cấp. Theo Sở TN-MT, mặc dù người sử dụng đất đã kê khai, đăng ký từ trước nhưng vẫn còn một số thửa đất chưa được cấp GCN. Khảo sát sơ bộ và vận động chính sách về cấp GCN của Trung tâm Tư vấn pháp luật Phú Yên cho thấy, năm 2014 huyện Sơn Hòa có 1.345 trường hợp được cấp GCN, nhưng đơn vị lập hồ sơ đất trùng với đất lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ và rừng đặc dụng Krông Trai; 527 trường hợp mua bán đất bằng giấy tay sau ngày 1/1/2008 hoặc hồ sơ đăng ký sai mục đích sử dụng và nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất. Trong khi đó, huyện Đồng Xuân còn 61 trường hợp có tranh chấp (diện tích hơn 8ha), 8 trường hợp vướng quy hoạch (diện tích hơn 0,3ha).
Theo Sở TN-MT, nguyên nhân là do cán bộ ở một số nơi không áp dụng cụ thể các quy định của pháp luật về đất đai mà chờ sự chỉ đạo của UBND các cấp. Một số trường hợp UBND cấp xã giao đất trái thẩm quyền, thu tiền sử dụng đất không đúng quy định. Ngoài ra còn do sự chậm trễ của các ngành chức năng, nhất là văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; người sử dụng đất phải bổ sung hồ sơ nhiều lần… Trong khi đó, cán bộ địa chính cấp xã ở các huyện miền núi còn thiếu; nhiều địa phương chưa huy động nhân lực ở các cấp để tập trung tổ chức kê khai, đăng ký, cấp GCN đồng loạt mà chờ người dân có nhu cầu đến nộp hồ sơ đăng ký…
Ông Phạm Trung Chánh, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết, ngoài việc tăng cường quản lý nhà nước về đất đai và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, UBND huyện đã chỉ đạo phòng TN-MT phân công cán bộ xuống các xã hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ vướng mắc cho địa phương và đơn vị tư vấn trong thực hiện dự án tổng thể đo đạc, đăng ký, cấp GCN. Đối với diện tích hơn 1.985ha đất lâm nghiệp, huyện sẽ hợp đồng đơn vị tư vấn đo đạc địa chính chi tiết, lập hồ sơ địa chính, cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân theo phương án được duyệt… Phấn đấu đến cuối năm 2015, 100% diện tích được cấp GCN.
TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP
Theo Sở TN-MT, trong 24.685 thửa đất cần cấp GCN trong năm 2015, có 24.595 thửa đất của các hộ gia đình, cá nhân; 90 thửa đất của các tổ chức; còn lại là đất sản xuất lâm nông nghiệp, lâm nghiệp, đất ở đô thị và nông thôn, đất chuyên dùng. Để hoàn thành việc cấp GCN quyền sử dụng đất cho số diện tích trên, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc đã chỉ đạo Sở TN-MT tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực đất đai theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên thông, bảo đảm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; tham mưu cho UBND tỉnh công bố bộ thủ tục hành chính về cấp GCN theo thẩm quyền và quy định Luật Đất đai năm 2013 để người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện của các tổ chức, cá nhân liên quan. Sở TN-MT tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định về thủ tục hành chính trong cấp GCN tại các địa phương…
Nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ, Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh Phú Yên thuộc Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam đã tổ chức thí điểm khảo sát và vận động chính sách về cấp GCN tại thị trấn Củng Sơn và xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa), thị trấn La Hai và xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) để tác động đến các cấp chính quyền thúc đẩy việc cấp GCN cho nhân dân.
Theo ông Huỳnh Xuân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Phú Yên, đơn vị này đã tổ chức đánh giá những khó khăn và tăng cường thực hiện chính sách về cấp GCN, đánh giá hiệu quả của hoạt động can thiệp đến quá trình thực hiện chính sách. Ngoài việc tăng cường năng lực của lãnh đạo và cán bộ thuộc các phòng, ban ngành liên quan, trung tâm còn nâng cao hiểu biết cho người dân, tạo môi trường thuận lợi cho thực hiện chính sách. Đơn vị này còn tổ chức tư vấn pháp luật thông qua trợ giúp pháp lý lưu động; phối hợp với các ngành liên quan và địa phương hướng dẫn, giải đáp về chính sách cấp GCN, tổ chức trợ giúp pháp lý cho nhóm yếu thế ở địa phương; điều tra thực trạng về chính sách vận động cấp GCN; trao đổi, chia sẻ kết quả vận động, can thiệp, kinh nghiệm trong quá trình vận động và thực thi chính sách cấp GCN và tổ chức hội thảo khoa học.
PHƯƠNG NAM