Giá cá ngừ lao dốc.
Dưa leo, dưa hấu ùn ứ đổ đống… cho bò ăn.
Bắp trái không thương lái mua, bỏ khô trên đồng.
Hầu bao teo tóp vì mủ cao su giá bèo kéo dài.
Đến mùa thu hoạch rộ, giá lúa lại giảm vì cung cao hơn cầu…
Điệp khúc “được mùa mất giá” như trên cứ tái diễn hằng năm không chỉ ở Phú Yên mà còn xảy ra trong cả nước. Ai cứu nông, ngư dân? Không thể đổ lỗi hết cho người dân khi sản xuất còn chạy theo phong trào, tự phát, khiến cung vượt cầu. Tình trạng “được mùa mất giá” có một phần trách nhiệm của các cấp, ngành do chưa tìm đầu ra nông sản ổn định cho nông dân, để người dân “tự bơi” và chịu thiệt trong cơ chế thị trường đầy rủi ro, khắc nghiệt…
Để “cứu” thua lỗ nặng cho nông dân, Bộ Công thương mua một xe dưa phân ngay trụ sở, một số siêu thị Co.opMart ở miền Trung tham gia tiêu thụ một phần dưa… Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, thiếu căn cơ trong việc ổn định thị trường cung - cầu.
Trong bối cảnh hiện nay, mắt xích liên kết sản xuất chưa thực sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông. Thực tế, Nhà nước chưa tìm ra các giải pháp tối ưu để điều tiết thị trường tiêu thụ hàng nông, thủy sản ổn định. Trong khi năng lực tìm kiếm thị trường của các doanh nghiệp còn yếu; đặc biệt một số doanh nghiệp luôn muốn làm lợi vì mục tiêu kinh doanh của mình mà bỏ quên người nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm.
Cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, chất lượng của nhiều mặt hàng nông, thủy sản ở Phú Yên nói riêng, Việt Nam nói chung còn thấp. Mức chi phí đầu tư sản xuất cao, trong khi công nghệ chế biến lạc hậu, mẫu mã không đẹp. Điều này làm tăng giá thành sản phẩm, sức cạnh tranh kém, bị ép giá trên thị trường trong và ngoài nước. Chưa kể việc nông dân chỉ trao đổi, giao dịch bằng miệng với đối tác mà không có ràng buộc nào về pháp lý khi bán nông sản, dẫn đến thương lái lợi dụng ép giá.
Thực tế trên cho thấy, bài toán khó giải trong ngành Nông nghiệp Việt Nam là sản phẩm càng trúng mùa, càng mất giá. Vấn đề mấu chốt là do khâu dự báo quy hoạch, cảnh báo thị trường, thông tin giá cả của quản lý Nhà nước còn yếu. Theo các chuyên gia kinh tế, muốn làm nông nghiệp chính quy và ổn định thị trường, trước hết phải có sự liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch từng vùng, từng tỉnh, từng huyện trong sản xuất, định hướng giúp người dân trồng cây, con hợp lý trên từng vùng đất; phát triển phải gắn với chế biến, định hướng thị trường theo từng nhóm cây trồng, vật nuôi.
Một khi có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để giúp người nông dân sản xuất hàng nông sản có thương hiệu xuất khẩu ra thị trường thế giới thì mới ngăn dòng “được mùa mất giá” và kéo thu nhập của nông dân tăng lên cao!
NGUYÊN LƯU