Sau gần 4 năm triển khai giải quyết nợ đọng, các HTX do lưu giữ chứng từ yếu và không có biện pháp mạnh để thu hồi những đối tượng chây ì nên gặp nhiều khó khăn.
Các HTX không có chế tài để thu nợ mạnh tay
Mục đích của giải quyết nợ tồn đọng tại các HTX ngoài việc thu hồi vốn để HTX duy trì hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh; còn nhằm minh bạch hóa tài chính tại từng đơn vị, củng cố cách quản lý kinh tế, làm tiền đề để các HTX hòa nhập thị trường. Việc thu hồi nợ tại hầu hết các HTX đang gặp khó khăn, do chính HTX vì những thiếu sót về chuyên môn nghiệp vụ dẫn đến thất thoát giấy tờ, ghi nợ còn sơ sài không rõ ràng hoặc do hoàn cảnh. Các HTX lại không có chế tài để thu nợ mạnh tay. Hiện các HTX hoàn tất công tác rà soát nợ, lập danh sách phân loại đối tượng nợ. Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với các HTX, xin cơ chế xóa nợ với những trường hợp không có căn cứ giấy tờ, hoặc những đối tượng già cả, neo đơn… Đối với những trường hợp chây ì, có đủ căn cứ sẽ làm báo cáo gửi Sở Tài chính để có phương án thu hồi hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật. (Ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh) |
YẾU LÝ, NẶNG TÌNH
Theo nhiều HTX nợ tồn đọng tại các đơn vị này đã có từ vài chục năm nay, được chia thành 2 giai đoạn: trước chuyển đổi (từ 1996 trở về trước) và sau chuyển đổi (từ 1996 đến nay). Trong khoảng thời gian đó, bộ máy quản lý HTX thay đổi nhiều lần, cộng với những biến động của thời gian khiến việc lưu trữ giấy tờ xác nhận nợ phần lớn bị thất lạc. Không có giấy tờ đồng nghĩa với việc HTX không có căn cứ để thu nợ. Ông Nguyễn Dư, Giám đốc HTX Sản xuất Kinh doanh dịch vụ Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), cho biết: Tổng số nợ HTX phải thu hồi gần 816 triệu đồng của 985 hộ, gồm nợ trước chuyển đổi 361 triệu đồng của 460 hộ và sau chuyển đổi 455 triệu đồng của 525 hộ. HTX mới chỉ thu được 256 triệu đồng của 228 hộ. Như vậy, số nợ thu được chỉ chiếm hơn 31% với phần lớn là khoản thu từ nợ sau chuyển đổi (hơn 205 triệu đồng).
Cũng theo ông Nguyễn Dư, khó khăn nhất nằm ở số nợ trước chuyển đổi. Đó là những khoản nợ sản phẩm cũ, tồn tại từ thời bao cấp chuyển sang, do khi bàn giao qua nhiều đời quản lý, không có chứng từ gốc nên không lập được biên bản xác nhận nợ. Khi không có giấy tờ thì việc trả hay không trả phụ thuộc vào người nợ. Hay những khoản nợ ngoài HTX đến nay cũng không biết đòi ai, tìm ai để xác nhận. Cụ thể, từ thời bao cấp, thành viên của HTX Mua bán Xuân Quang 3 do ông Nguyễn Văn Hương làm chủ nhiệm có mua bò giống của đơn vị để chăn nuôi. Nay hộ thành viên nhận bò đã mất, HTX giải thể, còn cá nhân chủ nhiệm (người đứng ra bảo lãnh ở thời điểm đó) đã già yếu, trí nhớ không còn minh mẫn. Bên cạnh đó, có những khoản nợ vì cái tình mà khiến khó đòi, đó thuộc về những đối tượng già cả, neo đơn, tàn tật mất sức lao động, những hộ gặp mất mùa bỏ quê đi làm ăn xa hoặc đã mất. Tất cả những đối tượng này, HTX cho vào khoản khoanh nợ, chờ cơ chế để xóa nợ. Hiện số nợ trước chuyển đổi còn gần 310 triệu đồng của 416 hộ nhưng HTX không chắc chắn sẽ thu hồi được.
Không thất thoát giấy tờ, nhưng do phương tiện lưu trữ cũ kỹ lại gặp lũ lụt, hỏa hoạn… khiến chứng từ bị mờ, ố, mối mọt không đủ căn cứ để xác định. Ông Nguyễn Thanh Khiết, kế toán HTX Nông nghiệp An Thạch (huyện Tuy An), chia sẻ: “Ngoài 2 tủ gỗ đã có từ rất lâu thì HTX không còn phương tiện gì để giữ giấy tờ. Thời gian khiến mối mọt làm mờ ố nên giấy tờ dù còn lưu nhưng đã không thể đọc được chữ. Đặc biệt, trận lụt bão năm 2009, nước dâng cao quá 2/3 tủ, giấy tờ tuy chuyển hết được lên cao nhưng bị ẩm mốc rất nhiều, nên việc chứng thực không còn đủ rõ ràng về tên tuổi, con số…”.
VẬN ĐỘNG HỘ DÂN TỰ GIÁC TRẢ NỢ
Không có giấy tờ không thu được nợ, nhưng có trường hợp có giấy tờ vẫn không thể thu nợ vì vận động tuyên truyền không đủ mạnh đối với những đối tượng chây ì. Ông Nguyễn Đình Nhu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Kinh doanh dịch vụ Hòa Xuân Tây 2 (huyện Đông Hòa), nói: Các đối tượng nợ HTX hơn 1,1 tỉ đồng. Kiên trì tuyên truyền vận động, lập đoàn công tác tới từng hộ nhưng suốt 4 năm qua (từ khi có Chỉ thị 06 của UBND tỉnh), đơn vị cũng chỉ thu hồi được gần 367 triệu đồng. Đó là nhờ sự góp sức của UBND xã thông qua biện pháp hành chính. HTX gửi danh sách nợ cho UBND xã, cá nhân có nợ khi tới làm thủ tục giấy tờ UBND xã sẽ thu hồi nợ thay; hoặc UBND xã đưa vào tiêu chí để xét gia đình văn hóa, cá nhân hoàn thành nhiệm vụ cuối năm.
Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh đã không đồng ý dùng phương pháp đó nên việc thu hồi nợ tại HTX chỉ còn phương pháp tuyên truyền vận động. HTX cũng đã lập tổ thu hồi nợ, thường xuyên tới nhà vận động các hộ dân. Lần đầu họ khất, sẵn sàng xác nhận nợ đến lần thứ 2, lần thứ 3 tổ thu nợ tới nhà thì đóng cửa. Do vậy, số nợ còn lại hơn 700 triệu đồng, HTX không biết phải thu như thế nào.
MINH DUYÊN