Sáng 21/4, khai mạc Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Biến lời nói thành hành động”.
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế mùa xuân năm 2015 gồm 2 phần chính: Đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, kiến nghị giải pháp triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Đánh giá cần có cơ sở khoa học, thực tiễn
Phát biểu khai mạc diễn đàn ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Đây là diễn đàn lần thứ 7 được tổ chức. Mỗi lần tổ chức đều có một mục tiêu nhất định để hỗ trợ báo cáo giám sát, thẩm tra kinh tế xã hội của quốc gia.
Ngoài nội dung tham vấn về các vấn đề kinh tế xã hội, lần này diễn đàn chọn chủ đề cải thiện môi trường đầu tư được xem như chọn lựa ưu tiên năm 2015 và cả năm 2016. Với slogan “biến lời nói thành hành động” là kết quả sự lan tỏa thành công sự đồng thuận, sáng tạo của Quốc hội Việt Nam đã được IPU -132 thừa nhận và hoan nghênh.
Để diễn đàn đạt kết quả thiết thực, ông Nguyễn Văn Giàu gợi ý một số nội dung để diễn đàn bàn thảo: Về kinh tế xã hội, cần đánh giá lại, bổ sung kết quả 2014 trên cơ sở báo cáo của Chính phủ đã báo cáo trước kỳ họp thứ VIII của Quốc hội và cập nhật các báo cáo kinh tế xã hội gần đây nhất.
Quốc hội đã thông qua mục tiêu tổng quát năm 2015 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng cao hơn năm 2014.
Tiếp tục phát triển các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và hợp tác quốc tế…
Trên cơ sở đó, ông Giàu đề nghị diễn đàn lần này đánh giá khả năng thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội 2015. Đặc biệt, có nhiều đánh giá và dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam nhưng chưa thấy đưa ra mô hình để chắc chắn rằng các dự báo có cơ sở khoa học và có tính khả thi.
Về đánh giá quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, ông Giàu đề nghị diễn đàn đánh giá khả năng tăng sức cạnh tranh thông qua những chỉ số rõ ràng. Về tái cơ cấu ngành, đề nghị tập trung bàn về tái cơ cấu nông nghiệp xem rủi ro thị trường như thế nào, liên kết sản xuất lớn để gia tăng giá trị hàng hóa ra sao.
Bên cạnh đó, ông Giàu cũng đề nghị Diễn đàn thảo luận đánh giá thực trạng và có giải pháp cụ thể cho các vấn đề về nợ công, huy động vốn ODA, nợ xấu, xuất nhập khẩu, lao động việc làm, an sinh, chính sách người có công, bảo hiểm, y tế, giáo dục…
Một vấn đề quan trọng khác cần được thảo luận là hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó là những tác động của các hiệp định thương mại, quá trình toàn cầu hóa đối với nền kinh tế Việt Nam….
Tăng trưởng vẫn diễn ra theo kịch bản cũ
Báo cáo đề dẫn tổng quan tình hình kinh tế xã hội Việt Nam 2014, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh: Nhìn vào số liệu sẽ thấy, tăng trưởng năm 2014 vẫn diễn ra theo kịch bản cũ “tiếp tục hồi phục, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước”. Điểm nhấn là tăng trưởng bất ngờ ở quý III (6,07%) và quý IV (6,96%) làm cho mức tăng trưởng cả năm cao hơn hẳn so với 3 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, mức phục hồi này vẫn còn thấp, chưa vượt qua mức 6% và chưa thực sự bền vững. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng năm 2014 thấp hơn khá xa mức tăng trưởng bình quân của giai đoạn 1990-2010.
Chỉ rõ hơn vào các lĩnh vực, ông Thiên cho biết, ở lĩnh vực nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng năm 2014 cao hơn 3 năm trước nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn 2006-2010. Một thực tế cần lưu ý là nhập khẩu của ngành này ở đầu vào lớn. Còn thực chất nền công nghiệp nước ta là nền công nghiệp định hướng phi công nghệ. Phần lớn các doanh nghiệp nước ta sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ.
Về xuất nhập khẩu, ông Thiên lưu ý, thị trường xuất khẩu của Việt Nam khá đa dạng nhưng thị trường nhập khẩu còn quá tập trung. Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng nhập khẩu tới 29% giá trị từ riêng Trung Quốc. Hơn nữa, khối doanh nghiệp FDI đang chiếm tới hơn 67% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và khối FDI cũng xuất siêu cao trong khi trong nước lại nhập siêu lớn.
Nợ công đáng quan ngại
Về nợ công, ông Thiên cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng, tính đến tháng 1/2015, theo đồng hồ nợ công toàn cầu, nợ công Việt Nam ở mức 46,9% GDP, con số này vẫn nằm trong ngưỡng an toàn theo tiêu chuẩn về ngưỡng trần nợ công/GDP 65% do Bộ Tài chính đề ra. Tuy nhiên nếu phân tích sâu hơn, theo đặc điểm và cách tính nợ công của Việt Nam, đặt vấn đề hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công trong bối cảnh kinh tế xã hội còn nhiều yếu kém như hiện nay sẽ thấy đây là “một thực trạng đáng quan ngại hơn nhiều so với các con số trên”.
Liên quan đến chính sách tài khóa, ông Thiên lưu ý rằng, “thâm hụt ngân sách diễn ra liên tục trong những năm gần đây và có mức độ ngày càng tăng. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm thì việc tăng bội chi cũng có tác dụng tích cực ở mức độ nào đó, nhưng mức nợ công tăng nhanh để tài trợ thâm hụt ngân sách sẽ là áp lực cho cân đối ngân sách nhà nước những năm sắp tới và gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, nhất là khi mục tiêu kiềm chế phát cao được ưu tiên hơn mục tiêu tăng trưởng”.
Theo VOV