Thứ Ba, 21/01/2025 02:03 SA
Khai thác thế mạnh nông nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế
Thứ Ba, 21/04/2015 07:27 SA

Công ty TNHH Nguyễn Hưng (TX Sông Cầu) chế biến thịt cua biển để xuất khẩu - Ảnh: A.NGỌC

Hiện nay, các nước có xu hướng hợp tác kinh tế quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, giảm thuế còn 0%. Việc hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp phù hợp, nếu không sẽ trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm của các nước.

 

HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN

 

Theo Bộ NN-PTNT, sự kiện Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 đánh dấu sự khởi đầu quá trình tham gia vào nền kinh tế toàn cầu bình đẳng với tất cả các thành viên khác. Từ thời điểm đó, Việt Nam liên tục tham gia đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác đa phương, khu vực và song phương. Đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết và đang triển khai thực hiện 7 FTA. Đối với Phú Yên, hiện nhiều doanh nghiệp đã tham gia xuất khẩu các sản phẩm từ nông sản, trong đó chủ yếu là hạt điều nhân, gỗ, hàng thủy sản. Trong quá trình hội nhập, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Phú Yên đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam đầu tư chế biến mía đường; Công ty cổ phần Trường Thành - OJI đầu tư trồng rừng với quy mô lớn; Công ty TNHH Kinh doanh và chế biến thủy sản TEASAN thu mua, sơ chế và xuất khẩu cá nóc. Các công ty CANAVET, ECO HAWAII, HAWAII FARM chuyên sản xuất giống thủy sản có quy mô trên 100 triệu con giống/năm/công ty…

 

Theo Sở NN-PTNT, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh hàng năm đều tăng khá, năm 2014 đạt hơn 9.830 tỉ đồng, tăng khoảng 2.975 tỉ đồng so với năm 2007. Tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng nông nghiệp của tỉnh trong năm 2014 khoảng 95 triệu USD. Để có được những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của tiến trình hội nhập, Phú Yên đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kỹ thuật như VietGAP, GlobalGAP, EuroGAP… vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi và chế biến thủy sản. Các địa phương trong tỉnh còn thay đổi cơ cấu sản xuất, tập trung nuôi trồng các sản phẩm thế mạnh, lợi thế riêng của mình. Ông Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, cho biết: “Từ năm 2000 đến nay, công ty đã phát triển vùng nguyên liệu mía khoảng 20.000ha, tiêu thụ hơn 7,5 triệu tấn mía cây, sản lượng đường đạt hơn 777.000 tấn. Sản phẩm đường tinh luyện được xuất khẩu đi nhiều nước, chủ yếu cung cấp cho các hãng sản xuất nước giải khát với thị phần chiếm 6 đến 7% trong cả nước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại 41 xã, thuộc 5 huyện của Phú Yên, tạo công ăn việc làm trực tiếp cho hơn 630 lao động và gián tiếp cho hơn 40.000 nông dân. Công ty sẽ đầu tư nâng công suất Nhà máy đường Sơn Hòa lên 10.000 tấn mía/ngày và Nhà máy đường Đồng Xuân lên 5.000 tấn mía/ngày. Trong 5 năm tới, công ty sẽ đầu tư dự án nhiệt điện từ nhiên liệu bã mía với công suất 60MW và sản xuất Ethanol KCP công suất 60.000 lít/ngày…”.

 

Sơ chế cá ngừ đại dương để xuất khẩu tại Doanh nghiệp tư nhân Lợi Anh (TP Tuy Hòa) - Ảnh: A.NGỌC

 

TẠO LỢI THẾ ĐỂ CẠNH TRANH

 

Theo Bộ NN-PTNT, hợp tác kinh tế quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp có xu hướng các nước cam kết với nhau hạ thuế quan, thuế nhập khẩu. Đến năm 2018, về cơ bản trong 10 nước ASEAN và nhiều nước khác, hầu hết các loại nông sản thuế bằng 0% và còn rất ít sản phẩm có thuế khoảng 5%. Việc giảm thuế khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp phù hợp, nếu không sẽ trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm của các nước, còn sản xuất trong nước phải co lại. Mục tiêu cụ thể hội nhập kinh tế quốc tế của ngành NN-PTNT từ nay đến năm 2030 là phát triển nền nông nghiệp Việt Nam bền vững và hiệu quả dựa trên lợi thế và khả năng cạnh tranh, hạn chế tác động bất lợi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển các thị trường có giá trị cao và bền vững cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam, tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy đổi mới tư duy, khoa học công nghệ, thể chế chính sách nhằm xây dựng nội lực nền nông nghiệp mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới; phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư để khai thác thế mạnh của nông nghiệp, góp phần tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân.

 

Theo ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh ta có xu hướng chậm lại, sản xuất nông - lâm - thủy sản chưa bền vững, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp phát triển chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Sở NN-PTNT Phú Yên kiến nghị tỉnh, trung ương ban hành các chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy các hình thức liên kết trong sản xuất, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trung ương cần hỗ trợ ngân sách giúp Phú Yên thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm như xây dựng, nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá… Các bộ, ngành trung ương cần nghiên cứu, dự báo thông tin thị trường, nguồn lợi ngư trường trên biển, cung cấp thông tin đồng bộ, kịp thời để định hướng sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và có khả năng cạnh tranh sản phẩm nông sản trên thị trường thế giới.

 

Hội nhập kinh tế quốc tế là một nội dung trọng tâm xuyên suốt của công cuộc đổi mới. Trong những năm qua, nông nghiệp đã và đang tiếp tục đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho 70% dân cư. Nông nghiệp đã có những bước phát triển vượt bậc thể hiện ở sản lượng hàng hóa và giá trị sản xuất tăng liên tục trong một thời gian dài, xuất khẩu hàng đầu thế giới các mặt hàng như gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sản phẩm gỗ và các sản phẩm thủy sản. Thời gian tới, mục tiêu của ngành là phát huy toàn diện vai trò hội nhập để phát triển ngành theo các mũi nhọn như phát triển bền vững, phát triển thị trường giá trị cao, tạo môi trường bình đẳng, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Vì vậy, cần nghiên cứu, đánh giá, dự báo tác động hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản, cạnh tranh doanh nghiệp, xây dựng các lực lượng tham gia các tổ chức quốc tế, cải cách thể chế quản lý bộ máy nhà nước, rà soát lại các văn bản pháp luật để có sửa đổi cho phù hợp với các cam kết.

(Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT)

 

ANH NGỌC

 

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek