Sử dụng thức ăn vỉa hè được xem là sở thích cũng như thói quen của nhiều người hiện nay. Tuy nhiên, đằng sau đó là mối nguy hại cho sức khỏe từ vệ sinh an toàn thực phẩm do các thức ăn này gây ra.
PHONG PHÚ CÁC HÀNG QUÁN
Trên các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn, chúng ta không khó để bắt gặp các hàng ăn được người dân tận dụng hai bên vỉa hè để kinh doanh. Tại TP Tuy Hòa, đường Hùng Vương là cung đường nổi tiếng nhất với đủ loại quán ăn. Thực khách của các quán ăn này thường là học sinh, sinh viên. Anh Nguyễn Nam Khánh ở phường 7, TP Tuy Hòa cho biết: “Tôi và các bạn thường đến một quán quen trên đường Hùng Vương để ăn ốc, cút nướng vào dịp cuối tuần. Giá cả ở đây hợp với túi tiền sinh viên. Với lại ngồi ở đây rất thoáng mát, dễ chịu”.
Không chỉ đường Hùng Vương mà quảng trường 1 Tháng 4 cũng tấp nập các hàng quán. Khoảng 17 giờ hàng ngày, dọc các tuyến đường Nguyễn Huệ, Độc Lập, Điện Biên Phủ (đoạn xung quanh quảng trường 1 Tháng 4) đều đông kín người. Có lẽ nổi bật nhất ở đây chính là các hàng bán đồ nướng di động, mùi thịt nướng cùng khói bay ra xung quanh. Cộng vào đó là mùi dầu chiên các loại thức ăn hòa lẫn vào không khí, các quán nước giải khát lúc nào cũng chật kín người khiến khu vực này như một khu chợ ăn uống ngoài trời đích thực.
Ngoài ra, tại một số cổng trường tiểu học, THCS, THPT hiện nay xuất hiện rất nhiều điểm bán que xiên nướng, bánh tráng trứng nướng... Bên cạnh đó là các xe đẩy chuyên bán các loại cá viên, bò viên chiên cũng nhiều không kém. Giá của các loại thức ăn này khá rẻ, chỉ vài ngàn đồng một món nên đây là những đồ ăn vặt mà nhiều học sinh ưa thích.
NGUY CƠ MẤT VỆ SINH
Sử dụng thức ăn sẵn được bày bán hai bên đường cũng như các quầy hàng di động đã là thói quen của nhiều người. Đặc trưng của các loại hàng ăn này là tiện lợi, đa dạng và vừa túi tiền. Tuy nhiên, cách chế biến cũng như bày bán thức ăn làm không ít người ái ngại. Chị Phạm Thị Hoàng Anh ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa chia sẻ: “Hôm rồi, tôi cùng nhóm bạn đi ăn ốc và gỏi cá tại một quán ăn trên đường Hùng Vương. Sau khi ăn xong về nhà, cả nhóm đều bị đau bụng, tôi phải uống thuốc hai ngày mới khỏi. Từ đó, tôi không dám quay lại quán đó một lần nào nữa”. Còn với chị Nguyễn Bích Nhàn ở phường 6, TP Tuy Hòa, mỗi khi đi ăn các món ăn vặt ở vỉa hè, chị và gia đình chỉ ăn quán quen. “Có lần, vì đi cùng nhóm bạn nên tôi thử ăn ở một quán bánh canh trên đường Trần Hưng Đạo. Sau khi ăn xong, tôi bị khó thở, chóng mặt và buồn nôn. Đi khám bác sĩ thì mới biết là do tôi ăn trúng thức ăn có quá nhiều bột ngọt khiến cơ thể bị dị ứng”, chị Nhàn cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế), Luật An toàn vệ sinh thực phẩm quy định, những cơ sở kinh doanh thức ăn, thức uống phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Song trên thực tế, điều này chỉ có ở các cơ sở kinh doanh lớn, còn các hàng quán vỉa hè thì gần như không có. Người tiêu dùng không được chủ quan bởi nguồn gốc, chất lượng thực phẩm trước khi chế biến vẫn chưa được kiểm tra. Đó là chưa kể các thức ăn ngoài đường rất dễ đối mặt với nguy cơ ô nhiễm từ bụi, ruồi… Đặc biệt, trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, nguy cơ ngộ độc thực phẩm là rất cao. Người dân cần phải sáng suốt khi sử dụng thức ăn được bày bán hai bên đường, nên chọn những quán quen, sạch sẽ, bàn ghế cao ráo (cách mặt đất trên 60cm). Quầy bán di động phải có tủ che kín xung quanh thực phẩm, tránh ô nhiễm từ môi trường. Bên cạnh đó, người bán cũng cần đảm bảo vệ sinh khi chế biến thức ăn như đeo găng tay, khẩu trang, thường xuyên tham gia các lớp bổ sung kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm…
NHƯ THANH