Trước thực trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển để nuôi trồng thủy sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra; đồng thời giao chủ tịch UBND các địa phương xử phạt những tổ chức, cá nhân vi phạm, buộc khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương, trong đó có huyện Đông Hòa đã kiểm tra, xử lý nhưng chưa kiên quyết.
“UBND tỉnh nên quy hoạch khu vực neo đậu tàu thuyền ở chính giữa lạch sông Ngọn với diện tích từ 59 đến 74ha. Còn lại cho phép quy hoạch vùng nuôi tôm với diện tích khoảng 60ha..”. - Ông Nguyễn Phi Hổ kiến nghị |
Theo Quyết định 2871 ngày 29/12/2005 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2001-2010, định hướng đến năm 2020, diện tích hơn 66ha nuôi tôm ở khu vực sông Ngọn, xã Hòa Hiệp Nam, nằm trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản nước lợ trên địa bàn huyện Đông Hòa. Tuy nhiên, đến ngày 13/5/2013, UBND tỉnh có Quyết định 748 phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2001-2010, định hướng đến năm 2020, diện tích nuôi tôm khu vực sông Ngọn nằm trong quy hoạch tổng thể của tỉnh, nhưng chưa xác định được diện tích, vị trí, mốc giới từng khu vực cụ thể. Đầu năm 2014, một số hộ dân tự ý dùng máy hút cát thu nhỏ diện tích mặt nước đang sử dụng để nâng cao đáy hồ nuôi tôm cao triều, xâm thực đất rừng, đất bằng và bãi bồi. Theo UBND huyện Đông Hòa, đến thời điểm này có 40 hộ tự ý hút cát từ đất rừng phòng hộ và đất bằng do UBND xã Hòa Hiệp Nam quản lý với tổng diện tích bị ảnh hưởng lên đến gần 50.000m2.
Ông Đinh Thuận, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam, thừa nhận: “Mặc dù chúng tôi đã thường xuyên kiểm tra, tịch thu nhiều máy móc, dụng cụ vi phạm nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để do người dân lén lút vi phạm, làm vào ban đêm nên rất khó phát hiện”.
Đến cuối tháng 2/2015, UBND xã Hòa Hiệp Nam đã lập biên bản 30 đối tượng vi phạm với 37 hồ nuôi tôm cao triều; đồng thời ra các quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với các đối tượng này và yêu cầu khắc phục hậu quả trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 15 đối tượng với 17 hồ, diện tích 22.000m2 bị ảnh hưởng đã chấp hành nộp phạt tổng số tiền 42 triệu đồng; còn lại 15 đối tượng với 20 hồ chưa chịu nộp phạt với số tiền 53 triệu đồng. Ngoài ra, chưa có đối tượng nào chấp hành khắc phục hậu quả, nhưng UBND huyện Đông Hòa vẫn chưa có biện pháp xử lý.
Trong số những người vi phạm không chấp hành có ông Phạm Rùm là đảng viên. Hiện ông Rùm có 5 hồ nuôi tôm cao triều với tổng diện tích 12.532m2, trong đó 7.690m2 lấn chiếm đất rừng phòng hộ và đất bằng đã bị UBND xã ra quyết định xử phạt 8 triệu đồng, nhưng ông này vẫn không nộp phạt và cũng chưa khắc phục hậu quả. Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa Nguyễn Phi Hổ khẳng định, phải xử lý cương quyết dù là đảng viên hay thành phần khác. Bà con không những hút cát dưới lòng sông để nâng đáy hồ, mà còn xâm thực đất rừng phòng hộ ven biển. Đây là nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến khu tái định cư Phú Lạc mà UBND tỉnh đang triển khai.
Ngày 20/3/2015, UBND huyện Đông Hòa đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng và UBND xã Hòa Hiệp Nam phối hợp với Điện lực Đông Hòa ngừng cung cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản khu vực sông Ngọn; tiếp tục xử lý các trường hợp đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa thi hành; tạm giữ tang vật, phương tiện tại các hồ tôm; buộc khắc phục hậu quả nếu không sẽ tổ chức cưỡng chế. Huyện Đông Hòa kiểm tra, xem xét một số đối tượng cố tình hủy hoại đất với diện tích lớn, không có biện pháp khắc phục để lập hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự... Tuy nhiên, huyện Đông Hòa vẫn chưa đưa ra thời hạn xử lý dứt điểm.
PHƯƠNG NAM