Thứ Năm, 23/01/2025 12:03 CH
Ngành Ngân hàng đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh
Thứ Năm, 02/04/2015 13:00 CH

Mạng lưới ngân hàng Phú Yên ngày càng mở rộng, cung ứng nhiều dịch vụ ngân hàng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh - Ảnh: L.HẢO

Với tốc độ tăng trưởng cao và ổn định qua mỗi năm, mặc dù còn khiêm tốn nếu so sánh với các địa phương khác trong cả nước, nhưng những năm qua, các tổ chức tín dụng ở Phú Yên đã nỗ lực vượt bậc để đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh.

 

MỞ RỘNG MẠNG LƯỚI

 

Thời điểm tái lập tỉnh (năm 1989), tổng nguồn vốn huy động của hệ thống NHPY là 35 tỉ đồng, dư nợ tín dụng 26,5 tỉ đồng. Qua 26 năm phát triển (từ 1989 đến 2015), hệ thống NHPY đã từng bước lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh với tổng nguồn vốn huy động đến nay hơn 11.100 tỉ đồng, đáp ứng được 85,6% nhu cầu vốn trên địa bàn. Dự ước đến cuối năm 2015, nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 12.432 tỉ đồng, tăng gấp 355 lần so với năm 1989. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng với tổng dư nợ cho vay đến nay đạt khoảng 12.980 tỉ đồng, dự ước cuối năm 2015 là 14.415 tỉ đồng, tăng gấp 544 lần so với năm 1989.

Thời kỳ những năm 1975, hệ thống NHPY được thành lập từ cấp tỉnh đến các huyện. Sau đó, với quá trình sáp nhập tỉnh, hệ thống NHPY trở thành một bộ phận của hệ thống ngân hàng tỉnh Phú Khánh. Ngày 1/7/1989, hệ thống NHPY tái lập và đi vào hoạt động gồm có Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng, hoạt động ngân hàng; và 3 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước gồm Ngân hàng Công thương Phú Yên, Ngân hàng NN-PTNT Phú Yên, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Phú Yên, thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

 

Đến nay, ngoài chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, trên địa bàn tỉnh còn có 15 tổ chức tín dụng. Trong đó, 4 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước gồm Ngân hàng NN-PTNT (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); 5 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlong Bank) và Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank); 2 chi nhánh ngân hàng chính sách là Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển; 4 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở gồm Châu Thành (TP Tuy Hòa), Chí Thạnh (huyện Tuy An), Hòa Trị và Hòa Thắng (huyện Phú Hòa). Ngoài ra, ở Phú Yên còn có các điểm tiết kiệm của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt. Mạng lưới các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội đã vươn đến các huyện, thị, xã, phường, thị trấn với 10 chi nhánh cấp 2 và 7 phòng giao dịch liên xã thuộc Agribank, 5 phòng giao dịch thuộc các ngân hàng thương mại cổ phần, và nhất là 112 điểm giao dịch vay vốn thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội đã cơ bản đáp ứng được các dịch vụ về ngân hàng cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

ĐẦU TƯ VÀO LĨNH VỰC THẾ MẠNH

 

26 năm qua, hệthống NHPY đã có những đóng góp đáng kể trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, mởrộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Đặc biệt, những năm gần đây, hệ thống NHPY đã triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp và nông thôn; góp phần phát triển nông nghiệp bền vững gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Một số chương trình tín dụng cho nông nghiệp và nông thôn như Nghị định 41/2010/ QĐ-TTg của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình tín dụng cho các đối tượng chính sách… đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông nghiệp và nông thôn của tỉnh.

 

Ngoài ra, trong giai đoạn kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, hệ thống NHPY đã thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và hộ dân trên địa bàn như: thực hiện giảm lãi, cơ cấu lại nợ, gia hạn tối đa thời gian trả nợ; đồng thời tiếp tục cho một số doanh nghiệp vay mới để sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2014 đến nay, hệ thống NHPY còn tích cực thực hiện Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp và Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản nhằm góp phần nâng cao năng lực đánh bắt, sản xuất, kinh doanh cho hoạt động nghề cá và cải thiện đời sống ngư dân.

 

Trong những năm đến, hệ thống NHPY sẽ triển khai đồng bộcác giải pháp kiểm soát nợ xấu, mở rộng tín dụng phù hợp với các chỉ tiêu định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam song song với việc nâng cao chất lượng tín dụng. Hệ thống NHPY phấn đấu đạt tăng trưởng về huy động vốn trên 15%/năm, cho vay trên 12%/năm, nợ xấu dưới 3%. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn, xuất nhập khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ; các công trình trọng điểm của tỉnh như các dự án: Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1, Hầm đường bộ qua đèo Cả, Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô… Ngoài ra, các ngân hàng thương mại ở Phú Yên còn chú trọng cho vay các chương trình theo mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, giải ngân vốn tín dụng theo Nghị định 67, cho vay theo Quyết định 68, cho vay hỗ trợ nhà ở…

 

NGUYỄN VĂN HÀN

Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek